Lao động số - Trọng tâm trong kỷ nguyên phát triển và áp dụng kỹ thuật số
Kỷ nguyên phát triển và áp dụng dụng kỹ thuật số đang đưa nhân loại vào thời đại mới ở đó đặt ra yêu cầu với các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị quan trọng nhất đó là lao động phù hợp đáp ứng cho quá trình này.
- Chứng chỉ xanh kỹ thuật số - Sáng kiến mở cửa trở lại ngành du lịch của EU
- Băng tần nào cho 5G để phát triển ASEAN kỹ thuật số
- Các Bộ trưởng ITU: “Covid-19 kích hoạt bước ngoặt cho kỷ nguyên kỹ thuật số”
Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên phát triển và áp dụng kỹ thuật số, điều này đang làm thay đổi phương thức sản xuất, tác động rất mạnh đến việc làm và cơ cấu việc làm của nền kinh tế đòi hỏi Chính phủ, các nhà quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp phải thay đổi tư duy mạnh mẽ, khẩn trương hành động để tạo dựng lực lượng lao động phù hợp với tiến trình phát triển và áp dụng kỹ thuật số.
Phóng viên: Áp dụng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo đang trở thành một xu hướng tất yếu, không thể cưỡng lại đối với các quốc gia, ông có thể phác họa đôi nét về xu hướng này trên thế giới?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Áp dụng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo đang trở thành một xu hướng tất yếu. Tôi ví dụ: tại Cộng hòa Liên bang Đức, khá nhiều công ty áp dụng tự động hoá trong các công xưởng và quy trình sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực da giầy và may mặc đã tự động hoá toàn bộ với sử dụng robot làm giầy và quần áo thể thao mà không có bóng dáng một người lao động.
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Bích Lân.
Mọi thứ đều được điều khiển bởi máy tính có phần mềm trí tuệ nhân tạo. Các công ty này đang triển khai kế hoạch xây dựng nhiều xưởng sản xuất như thế trên khắp thế giới, họ không cần người lao động vì công nghệ đang ngày càng tốt hơn và hoàn hảo hơn.
Các nhà quản lý sản xuất kinh doanh tại những nơi áp dụng tự động hoá nhận thấy chi phí nhân công làm cho giá thành sản phẩm cao và phải xử lý các vấn đề xã hội liên quan tới người lao động.
Đầu tư vào tự động hoá sẽ làm tăng lợi nhuận và trong tương lai, tự động hoá sẽ là yếu tố then chốt trong lĩnh vực chế biến chế tạo cũng như các lĩnh vực dịch vụ khác.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước láng giềng có ảnh hưởng đặc biệt tới sản xuất và thương mại với Việt Nam, trong những thập kỷ gần đây đã và đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực nghiên cứu và triển khai công nghệ (R&D).
Tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên GDP đã lên tới 2,1% vào năm 2018. Trung Quốc mới chỉ là nước thu nhập trung bình cao, nhưng tỷ lệ này đã xấp xỉ với mức của các nước tiên tiến ở châu Âu và Mỹ (khoảng 2,4%).
Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia sử dụng robot công nghiệp lớn nhất thế giới, sản lượng robot công nghiệp của Trung Quốc chiếm hơn 38% toàn cầu. Một robot trong ngành may ở Trung Quốc đã thay thế 17 công nhân, điều này có nghĩa năng xuất lao động trong ngành may đã tăng khoảng 17 lần.
Chiến lược của Trung Quốc không chỉ sản xuất và sử dụng robot công nghiệp để tăng năng xuất, thay thế nhiều công đoạn trong nhà máy, quốc gia này còn đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với những robot phục vụ nhiều lĩnh vực đời sống con người.
Tại Mỹ, xe hơi không người lái đang được thử nghiệm trên nhiều thành phố lớn. Quản lý công ty xe không người lái ở Mỹ dự báo trong vài năm tới công nghệ này sẽ thay đổi toàn bộ hoạt động vận tải.
Việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc đáng để cho các nhà quản lý của nước ta “suy ngẫm và khẩn trương hành động”.
Phóng viên: Xin ông cho biết những khó khăn và thách thức về việc làm đối với các nước đang phát triển như Việt Nam khi áp dụng kỹ thuật số?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Áp dụng kỹ thuật số sẽ làm giảm rất nhiều việc làm đối với lao động không có kỹ năng; cơ cấu lực lượng lao động chuyển đổi sang các công việc đòi hỏi kiến thức và tay nghề cao hơn; việc làm giản đơn, dựa vào lao động chân tay sẽ giảm mạnh. Tại các nước đang phát triển, áp dụng kỹ thuật số sẽ phải đương đầu một số thách thức đối với việc làm như:
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế và tạo việc làm có thể trở thành vật cản, hoặc hạn chế việc áp dụng kỹ thuật số nếu tăng năng suất do kỹ thuật số đem lại không đi cùng với tạo đủ việc làm để hấp thu hết số lao động hiện có trong ngành chế biến chế tạo. Tại nhiều nước mới phát triển do áp dụng kỹ thuật số đã gây nên tình trạng thiếu việc làm, dẫn tới trì hoãn quá trình công nghiệp hoá.
Nhân lực kỹ thuật số được xem là nhân tố quyết định trong quá trình phát triển và áp dụng kỹ thuật số.
Tiếp đến, áp dụng robot và trí tuệ nhân tạo tại các nước phát triển làm tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại sản xuất tại các nước đang phát triển với lợi thế về lao động giá rẻ, đây là thách thức không nhỏ đối với vấn đề việc làm tại các nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do kinh tế.
Cùng với đó, việc áp dụng kỹ thuật số dẫn tới chuyển đổi hoặc mất việc làm, gây nên bất bình đẳng giữa các nhóm người lao động. Lao động có trình độ và kỹ năng thấp phải đối mặt với rủi do mất việc làm rất cao khi máy móc thiết bị đưa vào vận hành. Người lao động phải đối mặt với thách thức bị thay thế bởi quá trình tự động hoá vì không đủ trình độ và năng lực thực hành công việc…
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ phải chịu rủi do cao về mất việc làm khi áp dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và robot trong các lĩnh vực may mặc, bán lẻ, nông nghiệp... trong thập kỷ tới, với tác động của trí tuệ nhân tạo, ước tính khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hoá.
Phóng viên: Đại dịch COVID-19 đang làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, vậy theo ông, phát triển và ứng dụng kỹ thuật số có vai trò như thế nào trong sắp xếp việc làm trong đại dịch?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Những năm gần đây và trong tương lai các thay đổi sẽ diễn ra nhanh hơn, tác động rộng lớn hơn tới các quốc gia trên toàn cầu.
Năm 2020, với xuất hiện của đại dịch COVID-19, trật tự và hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ, khiến cho chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ, dịch chuyển lao động bị gián đoạn và thay đổi.
Trong thời gian đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn và khống chế dịch bệnh như: phong toả, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và các hoạt động kinh tế xã hội không cần thiết. Đại dịch COVID-19 làm đình trệ hoạt động kinh tế xã hội, tuy vậy với ứng dụng kỹ thuật số nhiều lĩnh vực quan trọng đã hoạt động trở lại như giáo dục, thương mại, hội nghị, hội thảo...
Để tìm kiếm và sắp xếp việc làm, tại nhiều quốc gia các tổ chức với chức năng thực hiện dịch vụ việc làm công đã đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật số để vượt qua “thách thức kép” đó là bảo vệ sự an toàn cho nhân viên và “khách hàng” của họ trong bối cảnh giãn cách xã hội, giảm số nhân viên đến công sở, làm việc tại nhà; đồng thời phải xử lý khối lượng công việc tăng lên đáng kể do nhiều người bị mất việc. Ấn Độ đã lập trang Webpage để giới thiệu và sắp xếp các công việc làm tại nhà, tăng cường tổ chức hội chợ việc làm trực tuyến.
Áp dụng kỹ thuật số giúp nâng cao năng lực, tính hiệu quả và phạm vi phục vụ của các tổ chức dịch vụ việc làm. Thông qua kỹ thuật số, những tổ chức này có đầy đủ thông tin để sắp xếp việc làm theo nhu cầu của các đối tượng lao động khác nhau như: lao động trẻ, lao động di cư, lao động thuộc dân tộc ít người, lao động là người khuyết tật... đồng thời việc sắp xếp hoàn toàn đáp ứng mong muốn của người tìm việc vì họ đã trao đổi trực tuyến với tổ chức sắp xếp việc làm mặc dù phải thực hiện giãn cách xã hội.
Với kỹ thuật số, nhiều nước đã thiết lập Hệ thống đáp ứng việc làm trực tuyến tạo thuận lợi cho đơn vị có nhu cầu tuyển lao động thông tin về số lượng, chủng loại, yêu cầu năng lực cần tuyển dụng, bên cạnh đó đơn vị cần tuyển dụng có thể kiểm tra hồ sơ xin việc và liên hệ trực tiếp với người tìm việc.
Kỹ thuật số cũng là công cụ thúc đẩy hợp tác hiệu quả, chia sẻ thông tin giữa các đối tác có cùng chức năng thực hiện dịch vụ việc làm của nhà nước và tư nhân.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một số giải pháp để lực lượng lao động nước ta đáp ứng được yêu cầu khi Việt Nam thực hiện ứng dụng kỹ thuật số?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật số ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Số liệu năm 2020 phản ánh, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tới 33,06% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế; tỷ lệ này của khu vực công nghiệp và xây dựng là 30,8%. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có cấp chứng chỉ còn thấp chỉ đạt 23,6%, trong đó khu vực nông nghiệp chỉ là 4,6%.
Yêu cầu của quá trình phát triển và áp dụng kỹ thuật số là áp lực lớn đối với lao động Việt Nam.
Yếu tố con người quyết định sự thành bại trong thực hiện các quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển đất nước nói chung, đặc biệt trong phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao về kỹ thuật số của Việt Nam còn hạn chế cả về chất và lượng. Chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.
Để Việt Nam hoà nhập cùng dòng chảy phát triển với các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, chúng ta cần đổi mới chính sách tài khoá phù hợp để khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ mới; đổi mới chi tiêu công để có đủ kinh phí hỗ trợ và thực hiện đổi mới công nghệ; hỗ trợ việc làm mang lại năng xuất cao; bảo trợ xã hội và hỗ trợ việc học tập suốt đời nâng cao năng lực của lực lượng lao động.
Ứng dụng công nghệ nói chung và ứng dụng kỹ thuật số nói riêng sẽ dẫn tới mọi ngành nghề, việc làm đòi hỏi tri thức công nghệ mới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải thay đổi hệ thống giáo dục và đào tạo từ tiểu học tới trung học, đại học và hệ thống dạy nghề tập trung vào việc tạo ra nhiều con người mới, có kỹ năng kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng của tất cả các ngành và lĩnh vực trong từng giai đoạn.
Chính sách đào tạo kỹ năng phải đặt trong chiến lược nâng cao năng lực cung cấp việc làm cho tất cả các lĩnh vực và công việc của nền kinh tế. Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo phải là ưu tiên hàng đầu.
Giáo dục và đào tạo là nền tảng căn bản nhất của đất nước, cũng là phương thức phòng thủ quốc gia tốt nhất. Một quốc gia không làm tốt giáo dục và đào tạo, quốc gia đó sẽ thất bại.
Cùng với đó, Chính phủ cần có mục tiêu và giải pháp cụ thể đối với nhóm lao động dễ bị tổn thương, ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ đối tượng có ít năng lực công nghệ số và không có khả năng tiếp cận kỹ thuật số để không làm gia tăng bất bình đẳng và đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi các loại dịch vụ công; đồng thời, tăng cường khả năng sử dụng và tiếp cận kỹ thuật số là điều kiện tiên quyết để chia sẻ lợi ích của phát triển và ứng dụng kỹ thuật số một cách công bằng hơn.
Xây dựng và thực thi chính sách nhằm giảm khoảng cách về kỹ năng giữa các lĩnh vực và các nhóm lao động trong nền kinh tế. Đổi mới và ứng dụng kỹ thuật số sẽ thay đổi rất nhanh nhu cầu đối với lao động có kỹ năng.
Để loại trừ khả năng tạo ra và nới rộng khoảng cách về kỹ năng; đồng thời, đảm bảo cơ hội có việc làm cho người lao động trong độ tuổi, mỗi người lao động cần tham gia vào hệ thống học suốt đời.
Bên cạnh đó, cần chủ động tham gia vào các tổ chức, hiệp hội đổi mới nhằm nắm bắt kịp thời những ý tưởng, chiến lược, kế hoạch nghiên cứu, áp dụng dịch vụ kỹ thuật số và khai thác hiệu quả lợi ích của việc hợp tác.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận