Mạng 5G cần tăng tốc để sớm ứng dụng đại trà
Hiện 5G vẫn đang trong quá trình thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiến độ phát triển chậm so với kỳ vọng, cần tăng tốc để sớm đưa vào ứng dụng đại trà.
- 5G Mobiphone - mở tương lai
- 10 ứng dụng công nghệ 5G có thể biến đổi môi trường tích cực
- 3GPP 5G - Chuẩn mới dẫn dắt đại cuộc phát triển mạng 5G
Nếu như khi mới bắt đầu thử nghiệm 5G ở Việt Nam cách đây hơn 2 năm, mạng 5G chờ smartphone, máy tính bảng… cập nhật công nghệ thì nay thiết bị lại phải chờ 5G.
Trong khi các thương hiệu lớn đều đã có smartphone 5G bán ở Việt Nam với nhiều mẫu mã, thậm chí mở rộng phân khúc phổ biến khoảng 5 triệu đồng thì tốc độ phát triển mạng 5G đang có vẻ chững lại.
Thực tế hiện nay 5G ở Việt Nam hầu như được coi như một sự nâng cấp của 4G về tốc độ, chứ chưa được ứng dụng rộng hơn về tính năng và tiện ích của công nghệ này.
Mạng 5G đã và đang được thí điểm tại Việt Nam trong thời gian qua.
Trong tháng 11/2020, sau thời gian thử nghiệm kỹ thuật từ cuối năm 2019, 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone và VinaPhone đã lần lượt công bố kế hoạch thử nghiệm thương mại và triển khai mạng 5G tại Việt Nam, nhất là ở Hà Nội và TP HCM.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 6/2022, 3 nhà mạng này đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh, thành. Việc đầu tư triển khai mạng và dịch vụ 5G ở Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc hạ tầng mạng lưới phải đi trước một bước.
Một số chuyên gia cho rằng tốc độ triển khai thương mại 5G đang bị chậm có nguyên nhân từ việc đấu giá băng tần 5G lâu nay gặp vướng mắc về pháp lý. Bộ TT&TT luôn tích cực tìm cách gỡ vướng nhưng việc này lại bị phụ thuộc nhiều cơ quan khác.
Vì lẽ đó, đến nay mạng 5G ở Việt Nam vẫn chưa được cấp băng tần chính thức. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế chung toàn cầu sau đại dịch COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư 5G. Các nhà mạng có vẻ cẩn trọng hơn.
Theo thống kê, sau 18 tháng thử nghiệm thương mại, thuê bao 5G chỉ đạt 0,54% (khoảng hơn 360.000 thuê bao) trong tổng số hơn 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G) ở Việt Nam.
Tại Hội nghị Triển lãm thế giới số 2021, Bộ TT&TT đã đưa ra sáng kiến là 3 nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam sẽ chung tay đầu tư và sử dụng chung mạng 5G. Vào tháng 5/2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thử nghiệm thành công gọi điện thoại bằng công nghệ 5G.
Ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, hãng Thụy Điển cung cấp hạ tầng 5G và đồng hành với Việt Nam từ ban đầu - cho rằng với lộ trình mà Việt Nam đang đi, có thể đến năm 2024-2025, Việt Nam sẽ có thể triển khai 5G đại trà. Ông Denis Brunetti cho biết Việt Nam được đánh giá cao là một trong những quốc gia bắt đầu sớm với 5G.
Mức độ ứng dụng hiện nay vẫn còn hạn chế.
Nếu 4G đã là một bước tiến vượt trội so với 3G thì 5G là một sự thay đổi cho một kỷ nguyên mới về kết nối di động. Sự nổi trội của 5G so với 4G được nhận biết trước tiên là tốc độ.
5G có tốc độ tải xuống (download) tiềm năng lên đến 20 Gbps (so với 1 Gbps của 4G). Còn theo Tech Target, điều khác biệt lớn nhất giữa 5G và 4G là độ trễ. Trong khi 4G có độ trễ 60-98 ms thì 5G chỉ ở dưới 5 ms, thậm chí được coi như bằng 0.
Chính ưu thế độ trễ cực thấp như vậy, gần như là thời gian thực, nên 5G có khả năng phục vụ cho nhiều ứng dụng thông minh. Với ưu thế vượt trội về tốc độ so với 3G (tốc độ download 1 Gbps so với 21 Mbps), 4G ứng dụng hiệu quả cho internet di động, phát trực tiếp video HD.
Còn 5G là công nghệ lý tưởng cho các ứng dụng nhà thông minh và thành phố thông minh được kết nối, nhà máy thông minh, internet vạn vật (IoT), các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo VR, xe tự hành, các tác vụ điều khiển từ xa…
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận