Metaverse và Web3 có còn xứng đáng với vai trò 'tương lai của công nghệ thế giới'
Metaverse và Web3 từng được xem là tương lai của công nghệ thế giới nhưng cho đến lúc này đã và đang ngày càng mất giá trị so với những ngày đầu sáng tạo khi lần lượt các nhà phát triển nhận thấy sự rắc rối mà các công nghệ này tạo ra còn lớn hơn những gì chúng mang lại.
- Các thương hiệu thời trang thế giới làm nóng cuộc đua metaverse của giới công nghệ toàn cầu
- Hai nhà tỷ phú công nghệ lớn Jack Dorsey và Elon Musk nghĩ gì về Web3
- Metaverse là gì mà khiến giới công nghệ 'chao đảo'
Tập đoàn Meta (trước đây là Facebook) đã nhận thấy các sản phẩm về thế giới 3D và thực tế ảo (VR) của mình khó thành công hơn dự đoán ban đầu. Giá trị của thị trường tiền điện tử và NFT (chuỗi mã đại diện không thể thay thế) đã lao dốc.
Những công ty công nghệ lớn như IBM được cho là sẽ thu hẹp quy mô đầu tư vào các dự án chuỗi khối (blockchain) doanh nghiệp, từng được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi lớn trong nhiều ngành công nghiệp.
Metaverse và Web3 đã không còn là giá trị ban đầu
Sự chú ý của công chúng thường không kéo dài và họ hay muốn những kỳ vọng của mình được hiện thực hóa ngay lập tức. Vì vậy, dễ hiểu khi nhiều người không còn mấy mặn mà với metaverse và Web3 khi truyền thông không còn đưa tin về những dự án rầm rộ liên quan tới chúng nữa.
Khi mới được sang tạo thì Metaverse và Web3 được giới công nghệ xem như là tương lai của thế giới.
Đồng thời, các công nghệ mới hứa hẹn những thay đổi lớn luôn thu hút những kẻ lừa đảo. Điều này sẽ khiến công chúng trở nên mệt mỏi và cảm thấy rằng các công nghệ mới gây ra nhiều rắc rối hơn giá trị thực sự mà chúng mang lại.
Nhưng với giới chuyên gia, thị trường tiêu dùng bớt hứng thú không có nghĩa những công nghệ đó không còn giá trị như thời điểm chúng bắt đầu được nhắc tới cách đây vài năm.
Metaverse và Web3 là hai khái niệm có liên quan chặt chẽ nhưng cũng khác biệt theo nhiều cách khác nhau. Chúng đều hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi lớn cho cách con người sử dụng công nghệ thông tin.
Metaverse thường được dùng để chỉ các môi trường giả lập trực tuyến không gián đoạn. Người dùng tham gia metaverse có thể làm việc, vui chơi, giao tiếp xã hội, mua sắm và sáng tạo… tương tự những hoạt động đã diễn ra trong hiện tại, nhưng trong một môi trường ảo rất thật và có nhiều tính năng hơn.
Ghé thăm một chi nhánh ngân hàng ảo trong metaverse sẽ cho phép người dùng tương tác với các sản phẩm tài chính thực tế. Hay tương tác với một cửa hàng bán lẻ trên metaverse cho phép khách hàng xem và thử các sản phẩm.
Hàng trăm thương hiệu và doanh nghiệp toàn cầu đã không bỏ lỡ “cơn sốt” metaverse. Những cái tên đình đám trên nhiều lĩnh vực khác nhau như công ty sản xuất đồ thể thao Nike, ngân hàng HSBC hay hãng đồ xa xỉ Gucci… đều hiện diện trên các nền tảng thế giới ảo hiện có như Horizons (của Meta) hoặc Decentraland.
Một hoặc hai năm trước, tìm kiếm trên Google cho cụm từ "metaverse" sẽ đưa ra hàng loạt câu chuyện như vậy. Nhưng ngày nay, những kết quả mới không còn nhiều!
Về phần Web3, đây là thuật ngữ đề cập đến toàn bộ hệ sinh thái của “Internet phân tán” - các công nghệ kỹ thuật số hoạt động trên mạng lưới các địa điểm thay vì tập trung vào một máy chủ hoặc thuộc kiểm soát của một tổ chức.
Thông thường, công nghệ này hoạt động thông qua blockchain - một công nghệ sổ cái phân tán sử dụng các khóa mật mã để đồng bộ hóa dữ liệu một cách an toàn trên nhiều máy tính và máy chủ khác nhau.
Khái niệm này bao gồm các loại tiền điện tử như bitcoin, các nền tảng điện toán phân tán như Ethereum và Hợp đồng thông minh đi kèm, các trò chơi như Axie Infinity, các khái niệm như NFT và các sản phẩm - dịch vụ tài chính phi tập trung (DeFi). Web3 cũng bao gồm các nền tảng thế giới ảo được xây dựng trên công nghệ phân tán - do đó có sự giao thoa với metaverse.
Các công nghệ liệu có đang bị "thổi phồng" quá mức
Không thể phủ nhận rằng hai công nghệ trên không còn được chú ý như cách đây vài năm. Song đây không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy chúng đã thất bại hay lỗi thời.
Khi các xu hướng công nghệ đang trong giai đoạn bị thổi phồng cao nhất, chắc chắn chúng sẽ thu hút sự chú ý của những kẻ chỉ muốn lợi dụng các xu hướng mới nhất để kiếm tiền.
Nhưng cho đến hiện nay thì cả hai hệ thống đang bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng khó có thể khắc phục.
Điều này dẫn đến hàng loạt “bong bóng”, nơi các dự án hoặc công ty được định giá quá cao so với giá trị thực mà chúng tạo ra, cùng những hoạt động lừa đảo và gian lận khác.
Trong thế giới Web3, ví dụ dễ thấy nhất là sự sụp đổ của FTX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Trước đó nữa là sự sụp đổ của thị trường NFT.
Hàng nghìn mã thông báo đại diện cho các tác phẩm nghệ thuật và các tài sản kỹ thuật số khác từng được bán với giá hàng triệu USD, để rồi trở nên gần như vô giá trị khi thị trường không còn sức hút.
Tuy nhiên, từ quan điểm của những người quan tâm đến việc triển khai các công nghệ trên nhằm tạo ra những thay đổi thực sự, đây không nhất thiết là một điều xấu. Những sụp đổ đó giúp loại bỏ nhóm đầu cơ khỏi thị trường và giữ lại những ai muốn thực sự nhìn nhận giá trị của các công nghệ này.
Ngoài ra, những biến động lớn cũng buộc các chính phủ xây dựng những quy định mới và tăng cường giám sát các lĩnh vực còn non trẻ. Dù nguyên tắc tự do được nhấn mạnh là yếu tố cốt lõi của các công nghệ mới, động thái thắt chặt quản lý của giới hữu trách là cần thiết để chúng có thể trở thành một phần của xã hội chính thống.
Trong hiện tại, dù những công nghệ khác có thể đang thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng cả metaverse và Web3 vẫn có rất nhiều tiềm năng để thúc đẩy sáng tạo và thay đổi.
Khi những lời cường điệu đang giảm dần và công chúng chuyển hướng chú ý sang những xu hướng mới, chắc chắn những nhà đổi mới sáng tạo đang phát triển các sản phẩm dựa trên tiến bộ công nghệ từ hai khái niệm sẽ có cơ hội tỏa sáng trong vài năm tới.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận