Quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới: Phải đóng thuế, tuân thủ Luật an ninh mạng
Dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có doanh thu tại Việt Nam thông qua các ứng dụng có người truy cập, hoặc sử dụng từ Việt Nam sẽ phải nộp thuế.
- "Vận đen" tiếp tục đeo bám Google khi bị điều tra về chống độc quyền
- Bảo vệ tài khoản Google - Cách đơn giản không phải ai cũng biết.
- Cách kiểm tra thứ hạng từ khóa của website trên google hoàn toàn miễn phí
Các nền tảng cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới Google, Facebook chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh: TT
Đó là một điểm mới đang được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quảng cáo.
Theo Bộ TT&TT - đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định sửa đổi này, Nghị định 181 hiện hành đã có quy định cơ bản điều chỉnh hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, đặc biệt về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm quảng cáo trước khi phát hành và thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Đồng thời hiện có sự chồng chéo, chưa rõ ràng trong việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới giữa hai Bộ TT-TT và Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Với lý do khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong thực tế kể trên, Bộ TT-TT cho biết đang soạn thảo một số nội dung sửa đổi trong Nghị định 181 liên quan đến quy định đối với dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.
Điểm nổi bật nhất trong các nội dung dự thảo là quy định về việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thông qua trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng có người truy cập từ Việt Nam hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải "tuân thủ các quy định của pháp luật của Việt Nam về quảng cáo, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế".
Đồng thời phải chủ động rà soát, kiểm tra sản phẩm quảng cáo không vi phạm quy định Luật quảng cáo và không đặt sản phẩm quảng cáo vào các vị trí có nội dung vi phạm quy định tại Luật an ninh mạng. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cũng phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu của Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền…
Đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, dự thảo yêu cầu phải tuân thủ quy định về việc đóng thuế. Đồng thời, khi thực hiện các hợp đồng dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam còn phải có trách nhiệm kiểm tra nội dung sản phẩm quảng cáo và yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có trách nhiệm lựa chọn vị trí đặt quảng cáo không vi phạm quy định tại Luật an ninh mạng.
"Không đăng, phát sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật Việt Nam bằng văn bản", dự thảo nêu rõ.
Còn đối với người quảng cáo, dự thảo nêu rõ yêu cầu "không đăng, phát sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam" và "chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo khi trực tiếp ký kết quảng cáo với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam".
Bộ TT-TT cho biết hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỉ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam.
Trong đó, 2 nền tảng chủ yếu được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là của hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới Google, Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận