Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: CĐS là làm khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số.
CĐS là làm khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số
Chia sẻ với các đại biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết CĐS là vấn đề mới. Vài ngàn năm qua con người luôn phải đối mặt với sự thay đổi của cuộc sống. Sự thay đổi diễn ra thường xuyên và liên tục. Vậy, CĐS đơn giản là một sự thay đổi, chuyển đổi mọi hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số.
"CĐS là làm khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số. Đã có một số bài học thành công khi địa phương quyết định nhiều vấn đề kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu như tỉnh Quảng Ninh hay huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình", Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, CĐS tạo ra 3 xu hướng. Đầu tiên là phi trung gian hóa (loại bỏ bớt các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa các bên như các sàn thương mại điện tử kết nối trực tiếp người bán và người mua không qua thương lái trung gian). Thứ hai là phi vật chất hóa, tức là số hóa các thực thể vật chất hữu hình để tạo ra phiên bản số hoặc tạo ra các thực thể số thuần túy. Trước đây các doanh nghiệp (DN) lớn nhất là nhờ tài sản hữu hình như General Motors, General Electrics… nhưng gần đây những DN lớn nhất lại nhờ những tài sản vô hình như Facebook, Google, Microsoft…. Thứ ba là phi tập trung hóa nghĩa là có nhiều người hơn, nhiều mắt xích hơn cùng tham gia, tạo ra giá trị như các mô hình của kinh tế chia sẻ như Grab, AirBnB…
CĐS Việt Nam dựa trên 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kế hoạch CĐS của Bộ Ngoại giao đã bám sát Chương trình CĐS quốc gia. CĐS cấp Bộ, theo Thứ trưởng, là công nghệ cho phép lãnh đạo Bộ có thể nhìn thấy từng cán bộ, công chức, viên chức. Nhiệm vụ của các cán bộ thuộc Bộ cũng thường xuyên phát sinh liên tục, công nghệ số phải được thiết kế để phù hợp với nhiệm vụ phát sinh mới và cần tập trung vào dữ liệu để đáp ứng công việc nhanh hơn.
Thứ trưởng cho biết mấu chốt là cứ có dữ liệu phát sinh là chúng ta đẩy lên nền tảng dữ liệu lớn (big data). Khi cần sử dụng tới dữ liệu nào thì lúc đó mới cấu hình các cơ sở dữ liệu riênglà đáp ứng được ngay mà không phải kết nối phức tạp. Bộ Ngoại giao có thể tiếp cận CĐS theo nền tảng và dữ liệu. Theo phân tích của Bộ TT&TT, nền tảng Zalo có thể biết người Việt đang tập trung ở các quốc gia nào, từ đó có thể thông tin, quảng bá Việt Nam. Theo đó, cần phải có nhiều ứng dụng Việt Nam và được người Việt Nam sử dụng.
CĐS ngành Ngoại giao để bứt phá
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng chia sẻ trong thời đại CĐS, ngành Ngoại giao, cán bộ ngoại giao thời CĐS cũng cần có những điểm thay đổi.
Về không gian, ngoại giao truyền thống tập trung chủ yếu trong các cuộc họp, thảo luận, trao đổi có tính quy ước với đại diện ngoại giao quốc gia khác. Ngoại giao thời CĐS mở rộng sang cả không gian mạng, các sự kiện tập thể, hướng trực tiếp tới người dân của quốc gia cần ngoại giao.
Về thời gian, ngoại giao truyền thống có tính kế hoạch rõ ràng, các thông điệp được chọn lọc kỹ lưỡng và ấn định thời gian công bố tới công chúng. Ngoại giao thời CĐS, đặc biệt ngoại giao trên không gian mạng diễn ra liên tục, phản ứng tức thời với các diễn biến trên thực tế.
Về phong cách, ngoại giao truyền thống thường có phong cách ổn định, có tính chất quy ước, trang trọng, nghiêm túc. Ngoại giao thời CĐS có phong cách đa dạng, từ nghiêm túc cho tới phong cách gần gũi, đời sống.
Về thông điệp, ngoại giao truyền thống thường sử dụng ngôn từ, văn bản có tính quy ước cao, và nhắc lại thông điệp thống nhất trong các hoạt động ngoại giao ở nhiều cấp độ. Ngoại giao thời CĐS có tính chất cá nhân hóa thông điệp cao theo quốc gia, sự kiện tham dự. Hình thức truyền đạt thông điệp cũng đa dạng từ diễn thuyết, ảnh, video… Đôi khi thông điệp cũng được thể hiện dưới hình thức có tính chất giải trí, dễ tiếp nhận với đại đa số người dân.
Ngoại giao ngày nay gắn với công nghệ. " Ngoại giao hiện đại hoạt động giống như một "hệ điều hành" trong đó công nghệ là trung tâm và động lực kinh tế, xã hội, luật pháp là cơ sở để hình thành các chính sách ngoại giao ", Thứ trưởng chia sẻ.
Còn về nhà ngoại giao thời CĐS, Thứ trưởng cho biết có thể gây dựng sức ảnh hưởng trên không gian mạng. Có khả năng truyền đạt thông điệp ngoại giao bằng các hình thức truyền thông mới thông qua ảnh, câu chuyện, video… và cả hình thức trực tuyến và ngoại tuyến.
Nhà ngoại giao thời CĐS cũng là một chuyên gia truyền thông, là một chuyên gia công nghệ khi sử dụng chuyên nghiệp các công cụ, phần mềm; sử dụng thành thạo các công nghệ để phân tích dữ liệu lớn, thậm chí lập trình… Nhà ngoại giao thời CĐS còn là một chuyên gia an toàn an ninh mạng.
Theo Thứ trưởng, CĐS của Bộ Ngoại giao không chỉ dừng lại ở việc làm hạ tầng, làm các hệ thống công nghệ mà làm sao trang bị, trao quyền năng (empower) cho mỗi cán bộ ngoại giao thành nhà ngoại giao xuất sắc trên không gian số. "Đây là một thách thức, khó khăn… nhưng như thế mới tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 để đất nước bứt phá. Và CĐS là cái mới nên cần phải đi cùng nhau".
Ngoại giao số lấy người dân, DN làm trung tâm
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của CĐS và quan trọng là nhận thức. Kế hoạch CĐS của Bộ Ngoại giao sẽ bám sát Chương trình CĐS Quốc gia, có lộ trình, bước đi chặt chẽ. CĐS có thể giúp Bộ Ngoại giao nắm bắt được các thông tin của các đơn vị ngoại giao trong, ngoài nước và tương tác nhanh chóng. Bộ Ngoại giao hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT trong tiến trình CĐS.
Theo đại biểu Văn phòng Bộ Ngoại giao, Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã giao Bộ Ngoại giao xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại. Hiện đại là ngoài đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, bộ máy, con người, phương tiện, phương thức thì trong kỷ nguyên số không thể có nền ngoại giao hiện đại mà không có ngoại giao số. Đã ngoại giao số thì phải tương tác, lấy người dân, DN, địa phương làm trung tâm phục vụ.
Mục tiêu của Kế hoạch CĐS của Bộ Ngoại giao là thay đổi tổng thể, toàn diện phương thức quản lý điều hành của lãnh đạo Bộ, cách thức làm việc của từng cá nhân cán bộ ngoại giao, thay đổi môi trường làm việc để nâng cao hiệu quả mọi mặt công tác.
Theo ictvietnam
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận