Tiềm năng và nguồn lực phát triển Game tại Việt Nam trong tương lai
Theo Statista, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người trưởng thành độ tuổi từ 18 đến 64 chơi game trên các thiết bị điện tử cao nhất trên thế giới. Báo cáo của Adsota cho biết, tỷ lệ người Việt Nam chơi game hằng ngày đứng thứ 4, đồng thời dẫn đầu về tỷ lệ người chơi tìm trò chơi mới mỗi tuần trong năm 2020 trong số những nước được khảo sát như Brazil, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Hàn Quốc.
- Epic Games bị dội "gáo nước lạnh" trong cuộc chiến pháp lý với Apple
- Hội nghị các nhà phát triển game lớn nhất thế giới lùi ngày tổ chức
- NFT - Giải pháp mới để các nhà phát triển game 'đánh cắp' tiền của người chơi
Nhiều thông tin về ngành game đã được chia sẻ tại “Hội nghị Kết nối Mở rộng thị trường ngành Game Việt Nam: Vươn tầm thế giới”
Việt Nam với dân số trẻ với hơn một nửa ở độ tuổi dưới 25, cùng với sự phổ biến của Internet và tỷ lệ sử dụng thiết bị di động cao đứng thứ 5 thế giới về tỷ lệ thuê bao điện thoại so với dân số; đứng vị trí thứ 10 trong danh sách các nước có số lượng người dùng smartphone nhiều nhất thế giới (tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 sau Indonesia). Đây là những ưu thế đóng vai trò quan trọng cho sự đột phá của thị trường game Việt Nam. Hơn nữa, chơi game đã trở thành hình thức giải trí không chỉ trẻ em mà cả nhiều người trưởng thành Việt Nam lựa chọn.
Ngoài ra, theo Báo cáo của We are social 2022, có 92% người Việt Nam đã từng chơi game trên ít nhất một thiết bị, thể hiện sự phổ biến của digital game trong đời sống của chúng ta. Trong đó chủ yếu chơi game trên smartphone (85%), PC (44,4%), Tablet (22,6%), Console (8,6%).
Bên cạnh là một thị trường giàu tiềm năng về khai thác doanh thu trong lĩnh vực game, Việt Nam từ nhiều năm đã trở thành địa chỉ “outsource” đáng tin cậy của các công ty phát hành game lớn trên thế giới. Có rất nhiều tựa game nổi danh được sản xuất bởi đội ngũ nhân sự 100% người Việt như: Free Fire, Caravan War, Game 7554, I Squad, Arena of Survivors,... Trong bảng xếp hạng trong năm 2020, Việt Nam sở hữu 5 trong số 10 nhà phát hành game hàng đầu xét ở khu vực Úc, New Zealand và Đông Nam Á.
Các công ty game Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng lượt game được tải nhiều nhất thế giới. “Cứ 25 game được tải, có một game do công ty Việt Nam sản xuất”. Và đứng thứ 2 tại thị trường Đông Nam Á về lượt tải game mobile, chiếm 22% tổng lượt tải trò chơi trong khu vực.
Đánh giá điều kiện phát triển game ở Việt Nam
Trong tham luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Ông Phạm Văn Thành - Giám đốc phụ trách Game của Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) cho biết:
Sự ổn định về an ninh chính trị: Việt Nam là một trong số các nước có độ ổn định cao về an ninh chính trị, nằm trong khu vực châu Á, một khu vực năng động nhất trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam sẽ là một địa điểm hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia và các công ty nước ngoài đầu tư mở các chi nhánh công nghiệp nội dung số.
Đất nước giàu văn hóa, lịch sử: Đây là lợi thế tiềm năng nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của lịch sử, văn hóa, phát huy bản sắc dân tộc, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới. Đây là ưu thế để xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ nội dung số.
Việt Nam đứng top đầu thế giới về tỷ lệ thuê bao di động và sử dụng Internet. Công nghệ 5G đã và đang thử nghiệm, chuẩn bị để thương mại hóa dịch vụ. Cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, giá cả phải chăng giúp tăng khả năng tiếp cận nội dung kỹ thuật số và cho phép các doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh.
Nguồn nhân lực ICT Việt Nam được đánh giá khá cao (xếp hạng thứ 29 trên thế giới và kỹ năng lập trình viên, xếp hạng 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế). Sự sẵn có của nguồn nhân tài sáng tạo với hơn 40% trường đại học Việt Nam cung cấp các khóa học về CNTT-TT, tạo điều kiện tạo ra nguồn nhân lực sẵn sàng cho ngành công nghiệp nội dung số, đặc biệt dẫn đầu là lĩnh vực trò chơi.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Việt Nam cần phải có chính sách cấu trúc lại nội dung đào tạo và mời các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Đào tạo chuyên nghiệp cho các ngành trò chơi điện tử, thể thao điện tử, tiếp thị và quảng cáo số bằng việc thành lập, chỉ định các cơ sở đào tạo và đưa các chuyên ngành học về các lĩnh vực này vào trong các trường đại học và cao đẳng. Phối hợp giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ sở đào tạo để xác định nhu cầu và nguồn cung cần thiết, định hình sự phát triển tài năng và xác định chương trình giảng dạy phù hợp đáp ứng nhu cầu của ngành.
Phối hợp với Google và Microsoft đưa các chương trình giảng dạy Online trên Cổng game của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: http://game.gov.vn, tập trung vào 3 vấn đề:
Thứ nhất, nâng cấp năng lực cho các cá nhân và công ty game, từ việc thiết kế game hấp dẫn và mới mẻ, cho đến các chủ đề luôn được nhiều bên quan tâm như xu hướng và thông tin của các thị trường khác nhau cho các loại hình game khác nhau, phân tích dữ liệu người chơi để tối ưu hóa chiến dịch, cải thiện mô hình tìm kiếm doanh thu trong game,…
Thứ hai, tìm kiếm nguồn tài chính để phát triển hoạt động của công ty. Với mạng lưới các công ty và nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới cùng các chương trình hỗ trợ startup, Google và Microsoft sẽ nỗ lực hỗ trợ các công ty game Việt Nam thông qua các hoạt động chia sẻ về cách thức tìm kiếm và làm việc với nhà đầu tư.
Thứ ba, xây dựng một hệ sinh thái ngành game lành mạnh và bền vững tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các cộng đồng game, đặc biệt là các công ty vừa bước vào ngành, cũng như chia sẻ các giải pháp và tài liệu hữu ích từ Google, Microsoft. Sau khi kết thúc các khóa học, học viên sẽ trải qua các kỳ thi tại chỗ và cấp chứng chỉ.
Cập nhật chương trình giảng dạy thường xuyên và tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các sự kiện/hội thảo. Phối hợp với các chuyên gia từ các doanh nghiệp cho việc đào tạo các kỹ năng và kiến thức phù hợp. Mở rộng nguồn nhân tài (talent pool) bằng cách trao cơ hội cho những sinh viên mới tốt nghiệp (Freshers) vào làm tại các studio game kết hợp với mô hình nuôi dưỡng tài năng nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhân sự bền vững cho doanh nghiệp và Việt Nam.
Khuyến khích tổ chức cuộc thi lập trình game trong khu vực dành cho các cơ sở đào tạo trong nước, khu vực Đông Nam Á để cho phép chia sẻ kiến thức và kỹ năng về công nghệ trò chơi, đồng thời cung cấp mạng lưới kết nối giữa các chuyên gia trong ngành trò chơi tương lai của đất nước và khu vực.
Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận