Tỉnh Điện Biên lên kế hoạch chuyển đổi số
Kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia mới được UBND tỉnh Điện Biên ban hành sẽ là căn cứ để các ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp triển khai tại cơ quan, đơn vị mình.
- Bắc Ninh: Tập huấn sử dụng các ứng dụng tại TTĐH thành phố thông minh
- Triển khai chính quyền điện tử: Hải Dương xác định nhiệm vụ trọng tâm, tiến từng bước vững chắc
- Hưng Yên: Văn Lâm dẫn đầu "cuộc đua" xây dựng chính quyền điện tử
UBND tỉnh Điện Biên mới đây đã ban hành Kế hoạch triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm thực hiện hiệu quả, đúng mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.
Y tế là một trong những lĩnh vực tỉnh Điện Biên sẽ ưu tiên chuyển đổi số. Ảnh minh họa: Báo Điện Biên
Theo kế hoạch, về phát triển Chính quyền số, mục tiêu của Điện Biên đến năm 2025 là 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng đến năm 2025, 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Về phát triển kinh tế số, Điện Biên phấn đấu năm 2025 kinh tế số chiếm 10% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% và năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Đối với phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, các mục tiêu cơ bản được Điện Biên đặt ra đến năm 2025 gồm có: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh Điện Biên nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số và các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho chuyển đổi số sẽ được Điện Biên tập trung triển khai là: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Để chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực địa bàn mình phụ trách.
Bên cạnh đó, tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.
Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn được yêu cầu phải cam kết đổi mới, cho phép thử nghiệm cái mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, liên kết các thành phần khác nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động lựa chọn một xã/phường để thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi số 8 lĩnh vực ưu tiên (y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp) cũng được Điện Biên nêu cụ thể trong kế hoạch.
Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Điện Biên có trách nhiệm đôn đốc, điều phối chung việc triển khai hoạt động chuyển đổi số. Sở TT&TT Điện Biên được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành danh sách sáng kiến chuyển đổi số ưu tiên triển khai giai đoạn 2020 – 2021.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020, tại Quyết định 749. Bộ TT&TT cho biết, trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ sẽ tập trung thúc đẩy triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ TT&TT coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên triển khai của toàn ngành TT&TT để đưa chuyển đổi số tới mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, ưu tiên đầu tiên là các ngành giáo dục đào tạo, y tế …
Để hoàn thành tốt nội dung này, Bộ TT&TT sẽ tập trung hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương để ban hành chiến lược chuyển đổi số tập trung vào việc thay đổi chính sách, mô hình quản trị, kinh doanh theo hướng chuyển đổi số không phải là chuyển đổi về công nghệ mà là việc ứng dụng công nghệ để đổi mới.
Theo ICTNews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận