CEO VSEC: Thông điệp “Make in Việt Nam” đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng
Theo CEO VSEC Trương Đức Lượng, dù là một thông điệp chung cho ngành công nghệ Việt Nam song “Make in Việt Nam” đã có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp làm an toàn thông tin mạng, là tiền đề cho sự ra đời của nhiều sản phẩm bảo mật chất lượng cao.
- Phát huy tinh thần Make in Vietnam, sẵn sàng công nghệ, thiết bị để thương mại 5G
- Fintech không chỉ là dự án CNTT trong mục tiêu "Make in Viet Nam"
- REV-ECIT 2019: Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng
- Toàn cảnh Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin REV-ECIT 2019
Nhận định trên vừa được ông Trương Đức Lượng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) chia sẻ tại cuộc gặp mặt báo chí chiều nay, ngày 24/12/2019.
Ông Trương Đức Lương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam - VSEC.
Đại diện VSEC cho biết, từ góc nhìn của một doanh nghiệp đã có hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin, VSEC đã tổng hợp và đưa ra 5 điểm nhấn đáng chú ý cũng là 5 sự kiện, hoạt động nổi bật, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực an toàn thông tin Việt Nam năm 2019, đó là: Bộ TT&TT đưa ra thông điệp “Make in Việt Nam”; Ban hành Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an ninh mạng; Vụ nghi lộ dữ liệu 2 triệu khách hàng của một ngân hàng Việt Nam; Tinh thần hacker được thừa nhận và đưa vào các hoạt động chính thống; Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Bộ TT&TT đưa ra thông điệp “Make in Việt Nam”
Theo VSEC, điểm nhấn đầu tiên doanh nghiệp này lựa chọn là việc Bộ TT&TT đưa ra thông điệp “Make in Việt Nam”. Vào ngày 9/5, Bộ TT&TT đã gây chú ý khi chọn khẩu hiệu hành động của Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là “Make in Việt Nam” - “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.
VSEC nhận định, mặc dù là một thông điệp, khẩu hiệu hành động cho cả ngành công nghệ Việt Nam nói chung, nhưng “Make in Việt Nam” đã có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo mật, đã là tiền đề cho sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm bảo mật chất lượng cao của người Việt như USEC – thiết bị lưu trữ dữ liệu siêu bảo mật của Công ty VSEC, Security Email Gateway - Giải pháp phòng chống tấn công bằng mã độc tiên tiến qua hệ thống email của Viettel, hay EagleEye malBot – sản phẩm phát hiện và ngăn chặn mã độc trong mạng theo thời gian thực của FPT.... Đây đều là những sản phẩm bảo mật do người Việt chủ động sáng tạo, thiết kế và phát triển tại Việt Nam, tạo ra giá trị thiết thực cho cộng đồng bảo mật và người dùng.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14 về bảo đảm an toàn, an ninh mạng
Năm 2019, Việt Nam chứng kiến hàng loạt các cuộc tấn công mạng có chủ đích để đánh cắp thông tin bí mật, điều này gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ về tài chính mà còn ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp và quốc gia. Trước tình trạng đáng báo động về an toàn thông tin mạng, vào tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ký ban hành Chỉ thị 14 nhằm tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng và cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho an toàn thông tin mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm, cùng với đó phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước.
Theo đánh giá của VSEC, một hoạt động nổi bật, ảnh hưởng lớn tới an toàn thông tin Việt Nam năm nay là việc Bộ TT&TT đưa ra thông điệp “Make in Việt Nam”, đã truyền cảm hứng, tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp Việt Nam làm an toàn thông tin (Ảnh minh họa)
Đại diện VSEC nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên việc đưa ngân sách cho công nghệ an toàn thông tin được hợp thức hóa bằng văn bản, đồng thời thể hiện tinh thần thúc đẩy phát triển cho ngành bảo mật CNTT. Chỉ thị 14 hứa hẹn sẽ mở ra kỷ nguyên mới giúp cho Việt Nam nhanh chóng cải thiện Chỉ số an toàn thông tin mạng trên các bảng xếp hạng toàn cầu.
Vụ nghi lộ dữ liệu 2 triệu khách hàng của một ngân hàng Việt Nam
Một sự cố nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã xảy ra giữa tháng 11/2019 gây hoang mang dư luận, đó là sự cố lộ 2 triệu dữ liệu của một ngân hàng lớn tại Việt Nam. Theo đó, trên diễn đàn Raidforums, nơi chuyên đăng và rao bán những cơ sở dữ liệu (CSDL) bị hack, một thành viên đã tải lên một tập tin dữ liệu được cho là có chứa thông tin người dùng của một ngân hàng tại Việt Nam bao gồm mã khách hàng, tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, địa chỉ nhà riêng và nơi công tác của khoảng 2 triệu người Việt Nam.
Theo chuyên gia VSEC, đây không phải lần đầu các thông tin nhạy cảm của khách hàng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng bị rò rỉ, điều này minh chứng cho công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu ở một số tổ chức tài chính – ngân hàng tại Việt Nam hiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức, các tổ chức cần dành nguồn lực cho bảo mật nhiều hơn, thực hiện công tác đánh giá bảo mật, ATTT hệ thống thường xuyên hơn.
Tinh thần hacker được thừa nhận và đưa vào các hoạt động chính thống
Chia sẻ quan điểm truyền thông thời gian qua đã góp phần làm nhiều người chỉ hiểu từ “hacker” theo nghĩa xấu, tiêu cực, CEO VSEC Trương Đức Lượng cho rằng về bản chất “hacker” cũng có ý nghĩa tích cực rất cao.
Theo VSEC, năm 2019 là năm đánh dấu sự phát triển rầm rộ của cộng đồng các hacker tại Việt Nam, chưa bao giờ tinh thần hacker lại được thừa nhận, ủng hộ và đưa vào các hoạt động chính thống đến thế. Không chỉ được tham gia công khai các cuộc thi trong nước, các hacker trẻ Việt Nam còn được hỗ trợ, khuyến khích tham gia các giải đấu quốc tế, thoải mái thể hiện kỹ năng tấn công và tìm lỗi của mình.
Điển hình có thể kể đến một số sự kiện đáng nhớ như Hacker Street - khu trình diễn công nghệ an toàn thông tin lần thứ hai được tổ chức tại Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019, cuộc thi sinh viên với An toàn thông tin lần đầu tiên mở rộng ra khu vực ASEAN, cuộc thi Hackathon 2019 do Công ty VSEC kết hợp với Hacksmith đồng tổ chức hay sự kiện ra mắt Nền tảng kết nối hacker mũ trắng lớn nhất Việt Nam – Vietnam Bug Bounty.
“Chúng tôi hy vọng trong tương lai, những hacker mũ trắng sẽ tìm kiếm thêm được nhiều lỗ hổng bảo mật trong và ngoài nước, giúp Chính phủ, các tổ chức phát hiện sớm các lỗ hổng và đưa ra cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp”, người đứng đầu VSEC chia sẻ.
Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam
Một tin vui kết thúc năm 2019 là việc mới đây Bộ TT&TT đã có thông báo về việc phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Đây là một hệ sinh thái nhằm tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam sẽ là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ các giải pháp và có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực bảo mật để chung tay xây dựng hệ sinh thái này. Đại diện VSEC cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực làm trong lĩnh vực ICT, hoàn toàn có thể trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Theo ICTnews
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận