Châu Âu đã thay đổi nhưng có bắt kịp với sự phát triển của công nghệ hay tiếp tục "lỡ tàu"
Sau những bước phát triển của cả Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, máy tính lượng tử đã thúc đẩy châu Âu phải tính đến giải pháp để không bị tụt lại phía sau do đó Lục địa già đã xác định cần phải có một khoản đầu tư lớn cùng với tính đồng bộ để thoát khỏi vòng xoáy lạc hậu so với thời đại.
- Máy tính lượng tử của Google giải bài toán 10.000 năm trong vài phút
- Intel cùng IBM phủ nhận tuyên bố của Google và Trung Quốc về Ưu thế Lượng tử
- Mỹ sẽ phát triển Internet lượng tử "không thể bị phá hủy"
Theo đó, trong lĩnh vực điện toán lượng tử, tất cả vẫn đang ở giai đoạn tiềm năng, nhưng châu Âu cũng không có ý định để "lỡ tàu" vào thời điểm này. Cho dù những máy tính lượng tử đầu tiên đều là của Mỹ và Trung Quốc, song châu Âu đang đầu tư một cách đồng bộ những khoản tiền rất lớn vào công nghệ này với mục tiêu đứng đầu thế giới.
Chuyến tàu công nghệ hiện đã bỏ khá xa châu Âu.
Máy tính lượng tử vượt mặt tất cả siêu máy tính mạnh nhất hiện nay vẫn chỉ là một giấc mơ. Nhưng châu Âu đã thoát ra khỏi vòng xoáy lạc hậu, sau nhiều năm chứng kiến những "chuyến tàu" công nghệ cao vụt qua. Ví dụ mới nhất, vào giữa tháng 1/2021, Pháp đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 1,8 tỉ euro (2,2 tỉ USD) trong vòng 5 năm vào các công nghệ lượng tử mới.
Giống như Berlin vào mùa hè năm ngoái, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), Paris đã quyết định hành động sớm hơn và mạnh mẽ hơn so với những gì mà lục địa này thường làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử.
Sớm hơn, bởi vì các công nghệ tạo ra sức mạnh tính toán nhanh hơn hàng tỷ lần so với các máy tính tốt nhất hiện nay, hầu như không ra khỏi các phòng thí nghiệm nghiên cứu, thậm chí có thể không sử dụng được ở bên ngoài.
Mạnh hơn, bởi vì gói đầu tư của Pháp lớn hơn so với 1,5 tỉ euro được phân bổ vào năm 2018 để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng cụ thể như dịch tự động, nhận dạng khuôn mặt...
Các nước EU lần này thức tỉnh trước khi Mỹ hoặc Trung Quốc giành được lợi thế. Nhận thức rõ sự lạc hậu của mình trong lĩnh vực điện toán đám mây và AI, châu Âu đã lựa chọn cuộc chiến của mình và nhắm vào vị trí số 1 thế giới về công nghệ lượng tử. Tất nhiên, châu Âu đã thua Mỹ trong trận chiến Internet, nhưng lịch sử khó có thể lặp lại...
Tổng cộng, EU có kế hoạch đầu tư ít nhất 4,5 tỉ euro từ nay đến năm 2027 vào công nghệ lượng tử, vì sự phát triển kinh tế và chủ quyền trong việc chinh phục không gian và bí mật quân sự. Công thêm kế hoạch của một số nước thành viên, con số tích lũy lên đến gần 8 tỉ euro.
Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, chương trình Quantum Flagship sẽ rót 1,25 tỉ euro cho các dự án đến năm 2027. Dưới sự giám sát của Ủy viên Kỹ thuật số châu Âu Thierry Breton, mục tiêu của EU bao gồm phát triển nguyên mẫu máy tính lượng tử cho các phòng thí nghiệm châu Âu sử dụng.
Được trang bị các nguồn lực mới liên quan đến các kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19, EU đang đầu tư theo cách phối hợp. Vài tháng trước, Thủ tướng Đức và là Tiến sỹ hóa học lượng tử Angela Merkel cũng đã trình bày một kế hoạch trị giá 2 tỉ euro để phát triển các công nghệ lượng tử tại Đức.
Ngoài các khoản tiền đầu tư, những nỗ lực mới cũng được bổ sung. Với công ty ATOS, một nhà vô địch thế giới về điện toán lượng tử, Pháp sẽ hướng một phần lớn đầu tư vào việc tạo ra các máy tính lượng tử. Đức thì dựa vào công ty Deutsche Telekom để thực hiện công việc truyền thông lượng tử chống giả mạo.
Siêu máy tính lượng tử đang là khoảng trống giữa châu Âu với những nước đi trước nhu Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc đua đã được mở ra đối với hai công nghệ này. Trong khuôn khổ Ủy ban châu Âu (EC), DG Connect đã lưu ý vào năm 2019 rằng toàn châu Âu đã chi khoảng 500 triệu euro cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ lượng tử, so với 350-400 triệu euro ở Mỹ.
Tất nhiên, chính quyền liên bang Mỹ cũng đã công bố một sự tăng cường tài chính mới cho lĩnh vực này, nhưng các quan chức châu Âu tin rằng EU sẽ không phải xấu hổ về sự so sánh trong những năm tới.
Trung Quốc được cho là đã quyết định đầu tư 10 tỉ USD cho lượng tử. Nhưng nhiều người nghi ngờ tính thực tế của con số gây sốc này. Ngoài ra, một nguồn tin châu Âu lưu ý rằng những khó khăn của Trung Quốc về chip điện tử chứng tỏ rằng quốc gia này không đủ tiền để đầu tư lớn như vậy cho phát triển công nghệ. Tệ hơn nữa, điểm yếu này trong các thiết bị điện tử cơ bản cũng sẽ khiến Bắc Kinh bất lợi về lượng tử.
Ngoài các nhà nghiên cứu nổi tiếng và các tập đoàn lớn của Pháp như EDF, Total hay ngành công nghiệp Đức, những bên sẽ sử dụng công nghệ lượng tử trong tương lai, châu Âu còn có các công ty khởi nghiệp hàng đầu, chẳng hạn như Pasqal ở Pháp hoặc IQM ở Phần Lan.
Điều đó nói lên rằng, tham vọng của châu Âu cũng sẽ được đo lường dựa trên nỗ lực của những "gã khổng lồ" kỹ thuật số như Google, Microsoft, IBM, Amazon của Mỹ, cũng như Baidu, Tencent và Alibaba của Trung Quốc.
Các nguyên mẫu máy tính lượng tử mạnh nhất cho đến nay được sản xuất ở Mỹ và Trung Quốc, trong các phòng thí nghiệm của những tập đoàn trên. Do đó, vấn đề rất quan trọng đối với họ là bí quyết hiện tại của họ có thể trở nên lỗi thời trong kỷ nguyên lượng tử.
May mắn thay cho châu Âu, một phần các khoản đầu tư của các "gã khổng lồ" Mỹ được dành cho nghiên cứu ở châu Âu. Ví dụ, IBM đã thành lập một nhóm chuyên biệt ở Montpellier, Pháp.
Về công nghệ này, gần với khoa học cơ bản hơn nhiều so với công nghệ cao theo nghĩa truyền thống, EU trên thực tế có những lợi thế hấp dẫn ngay cả theo quan điểm của người Mỹ. Và châu Âu có các phương tiện để phát triển những lợi thế này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận