Huawei thất bại trong vụ kiện Chính phủ Mỹ
Trong phán quyết mới đây của Toà án liên bang ở Texas (Mỹ) cho rằng Washington có quyền cấm các bang của nước này mua các sản phẩm công nghệ của Huawei (Trung Quốc) với lý do đảm bảo an ninh mạng khi giải quyết đơn kiện của ông lớn công nghệ này đã nộp năm 2019.
- "Sự tồn tại" chứ không phải doanh số là ưu tiên số 1 của Huawei
- Huawei khoe công ty Mỹ muốn được hãng cấp phép 5G
- Bộ Thương mại Mỹ cụ thể hoá lệnh trừng phạt Huawei và ZTE
Ông Amos Mazzant, thẩm phán liên bang ở Texas (Mỹ), ngày 18/2 đã ra phán quyết cho rằng Washington có quyền cấm các cơ quan liên bang của nước này mua sản phẩm của công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) với lý do đảm bảo an ninh mạng.
Trước đó, Huawei đã đệ đơn kiện vào năm 2019 và cho rằng Quốc hội Mỹ đã không cung cấp được bằng chứng để làm cơ sở pháp lý hỗ trợ việc áp dụng luật cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị, dịch vụ hoặc làm việc với các bên thứ ba là khách hàng của Huawei.
Theo phán quyết của Toà án thì Chính phủ Mỹ hoàn toàn có quyền cấm các bang mua thiết bị 5G của Huawei vì lý do an ninh.
Về phần mình, Huawei cho biết doanh nghiệp này “thất vọng với phán quyết trên và sẽ tiếp tục xem xét các hành động pháp lý tiếp theo”.
Mỹ lâu nay quan ngại về vấn đề an ninh mạng liên quan đến các sản phẩm của Huawei và mối lo này đã gia tăng khi Huawei trở thành công ty hàng đầu thế giới về thiết bị viễn thông và là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới cùng với Samsung và Apple.
Bên cạnh đó, Huawei dự kiến sẽ đóng một vai trò lớn trong việc triển khai mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) trên thế giới khi các thiết bị viễn thông của Huawei được đánh giá là hiện đại hơn so với các doanh nghiệp đối thủ như Ericsson (Thụy Điển) hay Nokia (Phần Lan).
Trước đó, trong chuyến thăm đến thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách chính sách mạng, ông Robert Strayer, cho rằng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không có lý do nào để dùng công nghệ di động 5G của Huawei, khi đã có những công ty ngang hàng với “gã khổng lồ” viễn thông của Trung Quốc trong lĩnh vực này, như Ericsson (Thụy Điển), Nokia (Phần Lan) và Samsung (Hàn Quốc).
Ông Robert Strayer cho rằng cần làm rõ quan điểm cho rằng Huawei tiến bộ hơn trong lĩnh vực 5G. Quan chức này cũng nhấn mạnh Mỹ khuyến khích các nước châu Âu xem xét cẩn trọng những nguy cơ về an ninh và kinh tế khi sử dụng công nghệ của Huawei.
Thay vào đó, ông cho biết Ericsson, Nokia và Samsung đều đang cung cấp công nghệ 5G tương đương với dịch vụ này của Huawei. Theo ông Strayer, các nhà cung cấp phương Tây như Ericsson và Nokia sẽ sử dụng một kiến trúc mở, tạo cơ hội để các công ty ở Mỹ và châu Âu cung cấp các thiết bị tương thích. Nhiều công ty Mỹ như Dell, Cisco, Juniper và VMware, cũng như nhiều công ty của châu Âu cũng đang muốn tham gia vào “sân chơi” này.
Huawei cho biết đã chi 15 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu trong năm 2019 để có thể đạt được vị thế dẫn đầu thị trường. “Ông lớn” này cho rằng Mỹ muốn ngăn cản sự phát triển của họ vì không một công ty Mỹ nào có thể cung cấp cùng một tầm công nghệ với mức giá cạnh tranh như Huawei.
EU cho biết sẽ để các nước thành viên tự quyết định xem sẽ cho phép Huawei đóng vai trò như thế nào trong mạng lưới 5G của mình. Trong khi đó, Washington luôn muốn các nước đồng minh của mình cấm Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vì lý do an ninh.
Lập trường này của Mỹ đã gây ra căng thẳng với nhiều đồng minh của nước này, như Anh, khi Thủ tướng Boris Johnson đã giao cho Huawei một vai trò hạn chế trong việc xây dựng mạng lưới di động 5G ở "xứ sở sương mù".
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận