Indonesia buộc 36 công ty công nghệ nổi tiếng thế giới phải nộp thuế VAT
Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia đã buộc tổng cộng 36 công ty công nghệ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% - một nỗ lực "đi vòng" sau khi các công ty này từ chối nộp thuế thu nhập với lý do không có văn phòng ở Indonesia.
- Airbnb: Hệ thống thuế cũ đã không còn phù hợp với thời đại kỹ thuật số
- Viettel Post đạt mốc doanh thu hơn 3 nghìn tỷ đồng trong thời kỳ chuyển hướng thành công ty công nghệ
Netflix nằm trong số các công ty bị bắt nộp thuế VAT ở Indonesia. Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, danh sách công ty công nghệ bị đánh thuế VAT tại Indonesia đang ngày càng kéo dài. Trong danh sách mới được công bố tuần này, Indonesia đã đưa thêm Microsoft và Alibaba Cloud, một công ty con của Alibaba, bên cạnh 6 công ty công nghệ khác như GitHub, UCWeb Singapore, Nexmo.
Việc đánh thuế sẽ được áp dụng từ ngày 1/11 tới, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Indonesia Suryo Utomo. Giống như nhiều nước khác, Indonesia muốn thu thuế các công ty công nghệ không đặt văn phòng tại nước này nhưng có doanh thu từ thị trường Indonesia.
Tuy nhiên, việc đánh thuế thu nhập các doanh nghiệp này khá khó khăn khi phía công ty lập luận họ đặt máy chủ ở nước ngoài nên không có nghĩa vụ phải nộp thuế.
Bản thân các công ty như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng nhận được sự bảo vệ của Mỹ, quốc gia các công ty này đặt trụ sở chính.
Trước tình trạng này, hồi tháng 4 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã chọn cách "đi vòng" khi ban hành quy định thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ toàn cầu.
Theo quy định mới này, các công ty "không thường trú" có doanh thu ít nhất 600 triệu rupiah (40.540 USD) từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số tại Indonesia, hoặc có ít nhất 12.000 user mỗi năm, sẽ phải trả 10% VAT.
Những cái tên bị điểm mặt đầu tiên là Google, Facebook, Amazon, Twitter và Netflix, vốn không đăng ký kinh doanh tại Indonesia song có doanh thu từ người tiêu dùng ở nước này.
Luật này cũng cho phép Indonesia có thể đánh thuế VAT đối với các hàng hóa và/hoặc dịch vụ được giao dịch thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
VAT là một loại thuế gián thu, được đánh vào người tiêu dùng cuối cùng nhưng chủ thể đem nộp nó cho cơ quan thu là các doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận