SMIC sẽ bị 'cấm cửa' với các công nghệ Mỹ
Nhằm đảm bảo bịt mọi "lỗ hổng" pháp lý giúp các công ty Trung Quốc có thể lách các quy định để tiếp cận thị trường công nghệ Mỹ, giới chức nước này tiếp tục đưa SMIC vào diện kiểm soát chặt chẽ hơn.
- Hãng chế tạo chip hàng đầu Trung Quốc SMIC tiếp tục là tiêu điểm của căng thẳng Mỹ - Trung Quốc
- Huawei, Qualcomm 'vạ lây' nếu Mỹ cấm SMIC
- Cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung: Điện thoại và thiết bị viễn thông Trung Quốc chiếm ưu thế
Theo đó, các quan chức Mỹ đang xem xét thảo luận về một đề xuất của Bộ Quốc phòng nước này, nhằm đóng các “lỗ hổng” quy định đã cho phép nhà sản xuất chip Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) mua những công nghệ quan trọng của Mỹ,.
Năm ngoái, SMIC đã bị đưa vào “danh sách đen” của Mỹ. Động thái đó khiến công ty không thể tiếp cận các thiết bị sản xuất tiên tiến từ các nhà cung cấp của Mỹ.
Theo quy định hiện tại, SMIC bị hạn chế mua các thiết bị “được dành riêng” để chế tạo chip có mạch 10 nanomet trở xuống, khá gần với công nghệ sản xuất các chất bán dẫn tiên tiến hơn.
SMIC bị đưa vào diện theo dõi để hạn chế khả năng có thể tiếp cận với công nghệ Mỹ.
Vì nhiều thiết bị có thể được điều chỉnh để sản xuất chip ở nhiều kích cỡ khác nhau, các nhà xuất khẩu cho rằng họ vẫn có thể bán các thiết bị này. Do đó, các quy định hạn chế gần như “không còn ý nghĩa gì".
Bộ Quốc phòng, với sự hỗ trợ của các quan chức tại các Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng cũng như Hội đồng An ninh Quốc gia, muốn thay đổi từ ngữ trong quy định hiện hành. Họ muốn hạn chế khả năng tiếp cận của SMIC đối với các thiết bị "có khả năng" sản xuất chất bán dẫn với bảng mạch cỡ 14 nanomet và nhỏ hơn.
Nếu thành công, sự sửa đổi này sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng SMIC không thể tiếp cận. Ở chiều ngược lại, WSJ cũng cho hay một số quan chức Bộ Thương mại Mỹ đang cố gắng ngăn cản đề xuất của Bộ Quốc phòng.
Giới chức Bộ Thương mại Mỹ cùng nhiều nhà sản xuất thiết bị nước này đã nói với các quan chức khác rằng: bất kỳ thay đổi nào đối với các hạn chế áp đặt lên SMIC đều làm tổn hại đến lợi nhuận của các công ty Mỹ. Điều này cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip toàn cầu vốn đã ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp khác nhau.
Những người ủng hộ đề xuất của Bộ Quốc phòng lập luận rằng vì Trung Quốc hiện là nhà sản xuất chủ đạo cho các chip cấp thấp thay vì những mẫu tiên tiến hàng đầu, quyết định trên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Bên cạnh đó, các hạn chế chặt chẽ hơn sẽ chỉ áp dụng cho một phần nhỏ sản phẩm mà các công ty Mỹ đang buôn bán.
SMIC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ câu trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên. WSJ cũng đưa tin trong những tháng tới, các quan chức Mỹ cũng sẽ xem xét bổ sung thêm nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại và danh sách cấm đầu tư của Bộ Tài chính.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận