Vụ nghi lộ dữ liệu 2 triệu khách hàng của MSB: Người dùng cần phải làm gì?
Nhận định đây không phải lần đầu các thông tin nhạy cảm của khách hàng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng bị vướng nghi vấn rò rỉ, lộ lọt, chuyên gia VSEC khuyến nghị người dùng cần lưu ý thực hiện một số biện pháp để tự bảo vệ mình.
- Nghi vấn lộ 2 triệu dữ liệu khách hàng của ngân hàng Maritime Bank
- Facebook bất hợp tác trong điều tra vụ rò rỉ thông tin người dùng liên quan đến Cambridge Analytica
- UniCredit - 3 triệu khách hàng bị rò rỉ thông tin cá nhân
Như chúng tôi đã đưa tin, trên website một diễn đàn quốc tế dành cho hacker chuyên về chia sẻ dữ liệu, một thành viên đăng tải thông tin được cho là của khách hàng Ngân hàng Hàng hải tại Việt Nam. Theo thành viên này, có khoảng 2 triệu khách hàng của ngân hàng được ghi lại. Toàn bộ dữ liệu được thành viên này chia sẻ miễn phí.
Được biết ngân hàng có nghi vấn lộ thông tin khách hàng hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng và chuyên gia an ninh mạng để kiểm tra và đánh giá về vụ việc.
Theo phân tích của chuyên gia VSEC, các thông tin, dữ liệu cá nhân bị rò rỉ có khả năng bị lợi dụng để thực hiện những hành vi lừa đảo, thậm chí các hacker có kỹ thuật tốt có thể sử dụng nguồn dữ liệu này để tạo ra các wordlist (danh sách mật khẩu) giúp cho việc thực hiện tấn công brute force (dò mật khẩu.
Về vụ việc nghi rò rỉ thông tin 2 triệu khách hàng của một ngân hàng Việt Nam, ông Đào Minh Tuấn, Trưởng phòng công nghệ bảo mật Công ty cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC) cho biết, đây khả năng là những thông tin, dữ liệu đã bị rò rỉ từ rất lâu, sau đó được công khai rộng rãi.
Chuyên gia VSEC cũng cho biết, những thông tin, dữ liệu bị rò rỉ bao gồm tên khách hàng, số Chứng minh nhân dân, ngày sinh, số điện thoại, email, địa chỉ - đây đều là những thông tin rất quan trọng của người dùng. Khả năng cao vẫn còn một số dữ liệu quan trong khác nữa nhưng chưa được công bố.
“Đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng mà còn gây ảnh hưởng lớn đến các khác hàng. Các thông tin bị rò rỉ có khả năng bị lợi dụng để thực hiện những hành vi lừa đảo, thậm chí các hacker có kỹ thuật tốt có thể sử dụng nguồn dữ liệu này để tạo ra các wordlist (danh sách mật khẩu) giúp cho việc thực hiện tấn công brute force (dò mật khẩu)”, ông Đào Minh Tuấn nhận định.
Cho biết đây không phải lần đầu các thông tin nhạy cảm của khách hàng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng bị rò rỉ, chuyên gia VSEC Đào Minh Tuấn nhấn mạnh, điều này minh chứng cho công tác đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu ở một số tổ chức tài chính – ngân hàng tại Việt Nam hiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Các tổ chức cần giành nguồn lực cho bảo mật nhiều hơn.
Đối với người dùng khi tham gia sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng hay bất cứ dịch vụ nào khác, chuyên gia VSEC khuyến nghị người dùng cần thực hiện những biện pháp sau để tự bảo vệ thông tin, dữ liệu của bản thân, như: luôn luôn sử dụng chức năng xác thực nhiều lớp, OTP, các chức năng bảo mật khác của nhà cung cấp dich vụ; không sử dụng mật khẩu có liên quan đến thông tin cá nhân như ngày sinh, số điện thoại.
Người dùng cũng được khuyến cáo tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin liên quan đến tài khoản, mật khẩu cho người khác khi được hỏi kể cả với nhân viên ngân hàng; đồng thời luôn luôn cảnh giác với các email, tin nhắn lạ, các đường link yêu cầu xác thực để truy cập.
Theo ICT News
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận