Chất lượng không khí Hà Nội hôm nay ở mức xấu khắp nơi
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 19/2 tại Hà Nội cho thấy, mức độ báo đỏ (mức xấu) phủ trên địa bàn do ảnh hưởng của mây mù ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
- AI - giải pháp lấy lại bầu không khí trong lành cho cả Châu Phi
- Cần một bộ luật về 'không khí sạch'
- Chất lượng không khí ở Hà Nội hôm nay thế nào?
Theo đó, hầu hết các điểm quan trắc tại các khu vực báo màu đỏ dày đặc như: Thị trấn Sóc Sơn, xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất), thị trấn Xuân Mai, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), xã An Khánh (huyện Hoài Đức), phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), phương Tứ Liên (quận Tây Hồ), phương Điện Biên (quận Ba Đình), phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), Trung tâm văn hóa Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm), phường Kim Liên (quận Đống Đa), Công ty Điện lực Nam Từ Liêm, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), đường Phạm Văn Đồng...
Các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm nay xếp thứ 15 trong 90 thành phố trên thế giới.
Trên bản đồ quan trắc còn lại rất ít điểm báo màu cam (chỉ số chất lượng không khí báo ở mức kém) như: Văn Quán (quận Hà Đông), xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai), xã Vân Hà (huyện Đông Anh), Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa)...
Với chỉ số chất lượng không khí ở các khu vực này, những người nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh về đường hô hấp, tim mạch có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.
Để bảo vệ sức khỏe, người dân thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài để chống bụi mịn; thực hiện giãn cách ở nơi đông người. Các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Ứng dụng AirVisual (là sản phẩm của Tổ chức IQAir- sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí) đã xếp hạng về chỉ số chất lượng môi trường không khí đối với 90 thành phố trên thế giới vào lúc 10h, ngày 19/2 cho thấy, một số thành phố có chỉ số chất lượng không khí ở mức màu tím (mức rất xấu), cảnh báo ảnh hưởng tới sức khỏe như: Dehi (Ấn Độ), Lahora (Pakistan)...
Trong đó, thành phố Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí ở mức màu đỏ (ở mức xấu) đứng thứ 15 với chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 158 và TP HCM, chỉ số chất lượng không khí màu vàng (ở mức trung bình), đứng thứ 40 với chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 85, chất lượng không khí ở mức chấp nhận được.
Theo Báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu 2020 do Viện Ảnh hưởng Sức khoẻ (HEI) và Viện Đo lường và Đánh giá Sức khoẻ (IHME) tại Đại học Washington và Đại học British Columbia thực hiện, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, trong đó khoảng 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Báo cáo cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Tại châu Âu, ước tính khiến 400.000 người tử vong sớm mỗi năm do các bệnh liên quan tới không khí ô nhiễm. Ô nhiễm không khí khiến các thành phố châu Âu thiệt hại hơn 190 tỷ USD mỗi năm.
Báo cáo cũng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ xuất hiện các điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí đã trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, sau tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận