DVí điện tử, theo cách hiểu đơn giản và dễ dàng nhất là một chiếc ví thực như xưa nay nhưng tồn tại ở dạng phần mềm trên smartphone. Ví xưa được bảo vệ bằng cách giữ chặt bên người, còn ví điện tử được bảo vệ bằng mật khẩu, xác thực vân tay. Tiền trong ví xưa cầm, sờ, nắm được, tiền trong ví điện tử chỉ có thể nhìn thấy qua những con số hiển thị trên màn hình.
Ví điện tử ShopeePay rất tiện lợi khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: Đức Thiện
Làm thế nào để có ví điện tử?
Trước tiên, bạn cần có smartphone kết nối mạng Internet (WiFi, 4G) để có thể tải về các ứng dụng ví điện tử như: MoMo, ShopeePay hay Moca (nằm trong ứng dụng gọi xe Grab)... trên các kho ứng dụng di động chính thống (CH Play trên hệ điều hành Android, Apps Store trên iOS).
Tiếp đó, bạn dùng số điện thoại di động thường xuyên của mình để đăng ký tài khoản cá nhân trên ví. Mỗi số điện thoại chỉ được mở một ví của một nhà cung cấp nên người dùng có thể yên tâm ví điện tử trên smartphone của mình là duy nhất của riêng mình, không ai khác có thể đăng ký sử dụng được.
Bên cạnh đó, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, để đảm bảo tính pháp lý của ví điện tử, người dùng cần cung cấp thêm giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân...) thì mới sử dụng ví để thanh toán. Việc cung cấp này khá dễ dàng vì các ứng dụng ví đều có hướng dẫn rất cụ thể các thao tác chụp ảnh chân dung cũng như quét giấy tờ cá nhân để xác thực.
Bỏ tiền vào ví và giữ ví ra sao?
Sau khi đã tạo xong ví điện tử trên smartphone, việc tiếp theo là bạn cần làm "chìa khóa" để bảo vệ ví của mình, cũng như "bỏ" tiền vào ví để sử dụng cho các hoạt động giao dịch, thanh toán sau này.
Nếu "chìa khóa" bảo vệ những chiếc ví thật ngoài đời là bỏ trong túi quần thì với ví điện tử là mật khẩu, dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt… Điều này hoàn toàn giống với việc tạo mật khẩu bảo vệ chiếc smartphone mà bạn đang sử dụng.
Việc tạo mật khẩu giúp bảo vệ ví an toàn, cũng là bảo vệ tiền của bạn an toàn, không lo bị kẻ xấu cướp mất. Và vì nó là "chìa khóa" để bảo vệ ví nên bạn phải biết cách nhớ và giữ bí mật nó, không chia sẻ cho ai khác biết.
Ví điện tử Moca trong ứng dụng Grab hỗ trợ liên kết nhiều ngân hàng - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Tiếp theo đó, một chiếc ví sẽ không được gọi là ví tiền nếu không có tiền. Ví điện tử cũng tương tự, bạn phải nạp tiền vào trong ví thì mới sử dụng để trả tiền được. Cách nạp tiền phổ biến của hầu hết các ví điện tử hiện nay là từ tài khoản ngân hàng liên kết.
Bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn trong mỗi ví là có thể từng bước thực hiện liên kết với tài khoản ngân hàng của mình. Sau đó, bạn muốn nạp bao nhiêu tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử tùy thích và tùy nhu cầu sử dụng của bạn.
Bên cạnh cách nạp tiền từ tài khoản ngân hàng, một số ví điện tử như MoMo còn cho phép người dùng nạp tiền mặt trực tiếp từ các điểm giao dịch ngoài đời...
Sử dụng ví thanh toán như thế nào?
Trên mỗi ứng dụng ví điện tử, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy các hoạt động giao dịch cũng như phạm vi mà ví cho phép bạn thanh toán. Hầu hết các ví điện tử hiện nay đều cho phép người dùng mua thẻ cào điện thoại di động, nạp tiền trực tiếp vào điện thoại; thanh toán những dịch vụ mang tính thiết yếu như: điện, nước, Internet…
Ví MoMo hỗ trợ rất nhiều hoạt động thanh toán khác nhau - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Chẳng hạn, ví điện tử MoMo hỗ trợ rất nhiều hoạt động thanh toán như hóa đơn, vay, thẻ tín dụng; vé xem phim, dịch vụ giải trí và cả mua vé số Vietlott; các loại vé máy bay, tàu hỏa, xe khách; ủng hộ từ thiện; tour du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng…
Ví điện tử ShopeePay, ngoài hỗ trợ các thanh toán điện, nước, Internet, điện thoại, còn đặc biệt chuyên "trị" các hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử Shopee, ứng dụng đặt đồ ăn Now... Trong khi đó, ví điện tử Moca tích hợp trong ứng dụng gọi xe Grab nên sẽ hỗ trợ rất nhiều hoạt động mang tính vừa đi vừa thanh toán của người dùng.
Chẳng hạn việc di chuyển, đặt đồ ăn, giao hàng bằng ứng dụng Grab đều có thể thanh toán bằng Moca nhanh chóng và nhiều ưu đãi. Ví Moca cũng cho phép thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, Internet, điện thoại… và các giao dịch giữa người dùng ví với nhau.
Tùy vào các loại giao dịch, các ví điện tử đều có những hướng dẫn cụ thể và đơn giản để người dùng thực hiện dễ dàng. Chẳng hạn với các giao dịch đã được hỗ trợ sẵn trong các tính năng của ứng dụng ví điện tử, người dùng chỉ cần nhập thông tin hóa đơn hoặc mã khách hàng hoặc quét mã QR là có thể thực hiện việc thanh toán.
Còn với các giao dịch chưa được thiết lập sẵn (dạng giao dịch giữa những người dùng cùng ví với nhau, người dùng với các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử), người dùng có thể trả, nhận, thanh toán bằng cách dùng số điện thoại đăng ký ví của đối tác, hoặc tiện lợi nhất hiện nay là quét mã QR của đối tác (thường trưng ở quầy thanh toán các cửa hàng, quán ăn, khách sạn...).
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận