Bên cạnh việc yêu cầu du khách đến Bali phải đã tiêm đủ mũi vaccine ngừa Covid-19, Indonesia còn quy định họ phải trải qua 5 ngày cách ly kiểm dịch- một biện pháp mà các thị trường du lịch “đối thủ” đang loại bỏ dần.
Với tiềm năng lớn về biển đảo, du lịch được xem là động lực chính của đảo Bali. Thống đốc Bali Wayan Koster cho biết việc phục hồi du lịch là điều cần thiết cho hòn đảo này, vì 54% doanh thu đóng góp cho nền kinh tế của Bali là dựa vào ngành du lịch.
Cùng với đó, chính quyền đảo Bali của Indonesia đã cho phép nối lại các chuyến bay quốc tế đến từ một số quốc gia nhất định, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp, nhằm từng bước mở cửa để đón du khách trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng này. Tuy nhiên, chưa có chuyến bay quốc tế nào ngay trong ngày 14/10.
Theo giới chức đảo Bali, khu du lịch vốn chịu thiệt hại nặng nề do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, du khách nước ngoài khi đến nghỉ dưỡng tại hòn đảo này cần phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, cách ly tại khách sạn trong vòng 5 ngày và tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực theo quy định nhập cảnh mới đối với khách du lịch nước ngoài.
Sân bay quốc tế Ngurah Rai trên đảo Bali đã mở cửa cho du khách đến từ 19 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và New Zealand.
Tuy nhiên, kế hoạch mở cửa trở lại một phần này không có du khách đến từ Australia, một trong những nguồn khách du lịch chính đến Bali vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Giới chức Indonesia bắt đầu nới lỏng dần dần các biện pháp phong tỏa sau khi số ca nhiễm và tử vong theo ngày giảm trên toàn quốc nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Indonesia vừa cán mốc tiêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trở thành quốc gia đứng thứ năm thế giới về tổng số liều vaccine đã được tiêm. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Indonesia đã giảm khoảng gần 30 lần, hiện trung bình 1.700 ca mới/ngày.
Với nhận định rằng COVID-19 tại Indonesia có thể trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022, chính phủ nước này đã xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu, chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận