Côn đảo: Từ hồn thiêng sông núi đến khúc hát biển xanh
Đến với Côn Đảo là tìm về những giá trị lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng còn sống mãi với thời gian của các thế hệ cha ông ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây còn được biết đến là “địa ngục trần gian” trong chiến tranh, là nơi yên nghỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, cùng những người yêu nước đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.
- Khám phá hòn ngọc bí ẩn của Việt Nam khi đến vớI Ninh Thuận
- Khám phá Pù Mát thăm thác Kèm ngang trời
- Thác Bản Giốc trở nên hùng vĩ và đẹp bội phần dưới góc máy flycam
Bản đồ hành chính huyện Côn Đảo - Ảnh internet.
Côn Đảo nằm ở phía Đông Nam của Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Được tạo nên bởi 16 hòn đảo lớn, nhỏ, mỗi hòn đảo đều gắn liền với những câu chuyện lịch sử. Tổng dân số chỉ hơn 8000 người nhưng bình quân mỗi ngày hòn đảo xinh đẹp này đón gần 3000 du khách. Qua 45 năm giải phóng, Côn Đảo đã thay màu áo mới, trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Con đường chạy dọc bở biển dẫn về trung tâm huyện đảo - Ảnh Thế Anh.
Đường từ sân bay về trung tâm huyện đảo chạy dọc theo bờ biển được trải nhựa phẳng lì với những khúc cua uốn lượn đầy thơ mộng. Một bên biển, một bên núi, phóng tầm mắt ra xa là những bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, ngày nay Côn Đảo được ví như "Hòn ngọc phương Nam” bởi vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ, giàu tiềm năng với nhiều thắng cảnh, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song vẫn còn đó những dấu tích tội ác của thực dân, đế quốc. Những gốc bàng già rắn rỏi trên đường Tôn Đức Thắng, những khu trại giam,… như “chứng nhân” của lịch sử, từng chứng kiến bao quá khứ đau thương nhưng rất oai hùng của các tù nhân chính trị năm xưa vẫn làm nghẹn lòng du khách khi đến thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo.
Hưỡng dẫn viên Nguyễn Thị Xuân chụp ảnh lưu niệm cùng khách tham quan bảo tàng Côn Đảo - Ảnh Lan Anh.
Bảo tàng lịch sử huyện Côn Đảo ghi chép: Sau 4 năm nổ súng xâm lược Việt Nam, năm 1862 thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ đã xây dựng ở Côn Đảo hệ thống các nhà tù, trại giam. Lần lượt các chí sĩ yêu nước, nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung nổi tiếng của cách mạng Việt Nam đã bị chúng lưu đày, giam cầm tại đây.
Nói về hệ thống nhà tù Côn Đảo không thể không nói tới những khu Chuồng Cọp, Chuồng Bò oan nghiệt, được ngụy trang tinh vi để che mắt dư luận thế giới. Ở đây chế độ thực dân, đế quốc đã dùng các hình thức hèn hạ, bỉ ổi, dã man nhất để tra tấn tù chính trị.
Trạm giam Phú Hải được thực dân Pháp lập từ năm 1862 - Ảnh Phạm Anh
Trạm giam Phú Hải được thực dân Pháp lập từ năm 1862 và xây dựng kiên cố từ năm 1889 đến năm 1896 thì hoàn chỉnh, là trại giam lớn nhất và cổ nhất, mang dấu tích của các thời kỳ lịch sử. Cùng với thời gian, trại giam nhuộm màu rêu phong. Tuy vậy, sự khắc nghiệt, đau thương vẫn hiển hiện trong các phòng giam tối tăm, ẩm thấp cùng hình tượng những người tù gầy còm, ốm yếu, chân tay bị xiềng xích khóa chặt. Những cây bàng hàng trăm năm tuổi nơi đây đến nay vẫn sừng sững đón gió biển, là minh chứng của tội ác chiến tranh cũng như sự kiên cường của các chiến sỹ cách mạng.
Khám 6 Nơi đã giam giữ các chiến sỹ cách mạng kiên cường và các sỹ phu yêu nước - Ảnh Phạm Anh
Dưới tán bàng xanh mát, cô hướng dẫn viên Nguyễn Thị Xuân kể rằng, cây bàng gắn với đời sống của người tù Côn Đảo. Bị giam cầm trong đói khổ, thiếu thốn nên khi được ra ngoài, các bác thường bứt ngọn bàng non ăn để chữa bệnh đường ruột và ăn quả non mong có vitamin cho cơ thể. Chính từ gốc bàng to xù xì, các bác đã hình thành những hòm thư bí mật để cất giấu tài liệu trong tù và tuyên truyền chí khí cách mạng.
Những cây bàng hàng trăm tuổi nơi hình thành những hòm thư bí mật để cất giấu tài liệu trong tù và tuyên truyền chí khí cách mạng - Ảnh Phạm Anh
Dưới gầm trời “Địa ngục trần gian”, với những đòn tra tấn nhục hình, đói khát và bệnh tật hành hạ nhưng không đè bẹp được ý chí cách mạnh của tù nhân. Chính nơi đây nhiều lớp học lý luận chính trị ra đời, truyền bá chủ nghĩa Mác, Lê-Nin, nhiều cuộc đấu tranh được tổ chức ngay trong nhà tù và đã trở thành “Trường học chính trị” lớn, đào tạo những nhà Lãnh đạo cách mạng xuất của Đảng, Nhà nước như các đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn; Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng...
Hầm xay lúa nơi tù nhân bị tra tấn tinh thần và thể chất. Chân của hai người tù bị cột chung 1 sợi xích với quả tạ nặng 5kg - Ảnh Phạm Anh
Trong câu chuyện kể của cô hướng dẫn viên di tích, những đau thương của một thời quá khứ, những tội ác trong phòng giam Chuồng Cọp kiểu Pháp có chắn song sắt bên trên, nếu tù nhân nào phản kháng thì bị cai ngục ở trên dùng cây sào đầu bịt sắt chọc thẳng vào người, rồi đổ vôi, tạt nước bẩn tra tấn. Phòng tắm nắng không có mái che là nơi chúng dùng để hành hạ, đàn áp gần 2.000 tù chính trị. Rồi khu biệt lập Chuồng Bò, chúng xây dựng với mục đích nuôi bò, lợn nhưng đã chuyển đổi một phần làm trại tù; một phần tiếp tục chăn nuôi để ngụy trang cho những kiểu tra tấn rùng rợn. Tại đây có hầm phân bò, địch đã bỉ ổi dùng ngâm người tù, đây là cách tra tấn dã man được phát hiện sau cùng.
Phòng giam nữ tù nhân, nơi tước đi thiên chức làm mẹ của không ít tù nhân - Ảnh Phạm Anh.
Thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, thật xót xa, đắng lòng khi được nghe những câu chuyện của các nữ tù. Chúng giam từ 4 - 5 cô trong một phòng. Cuộc sống nữ tù chẳng khác gì nam tù nhân. Họ cũng bị tra tấn bằng vôi bột, đổ nước bẩn, chất thải vào người. Dã man hơn cả là chúng lợi dụng đặc điểm sinh lý của người phụ nữ để hành hạ thêm. Chúng tịch thu hết đồ dùng vệ sinh cá nhân, không cho ra ngoài tắm giặt. Thời gian lâu nhất kéo tới 53 ngày các cô không được tắm giặt. Do bị giam cầm quá khắc nghiệt và tình trạng vệ sinh kém mà có những nữ tù khi trở về đã mất đi khả năng, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Những câu chuyện về tội ác ở chốn “địa ngục trần gian” này và với những gì được chúng kiến, khiến người nghe uất nghẹn, không cầm được nước mắt…
Nghĩa trang Hàng Dương nơi yên nghỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng về đêm - Ảnh Thế Anh
Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, là một trong những nghĩa trang lâu đời nhất ở Côn Đảo, nơi yên nghỉ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng, cùng những người yêu nước trong đó có những nhà yêu nước nổi tiếng: Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung… Đã có trên 20.000 người nằm xuống tại Côn Đảo trong hai cuộc kháng chiến đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhưng đến nay chỉ tìm được 1.922 phần mộ, trong đó có 714 phần mộ tìm được danh tính. Năm 1962, Nghĩa trang được tôn tạo và xây dựng lại trên diện tích 20 ha, gồm 4 khu A, B, C ,D.
Khu mộ của Anh hùng lực lượng vũ nhân dân Võ Thị Sáu - Ảnh Phạm Anh
Với tấm lòng tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, mỗi người đến Côn Đảo không thể không dành thời gian viếng nghĩa trang Hàng Dương, trong đó, có khu mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu "người con gái Đất Đỏ kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ”. Người dân Côn Đảo gọi bằng tình cảm thân thương: Cô Sáu!, và xem cô Sáu như vị thánh che chở, hóa giải những đau buồn.
Chiến tranh đã qua, "địa ngục trần gian” một thời nay đã chuyển mình trở thành đại điểm du lịch nổi tiếng. Trong không gian trong lành, mát rượi gió biển, không gì thú vị hơn khi được dạo bước trên những con đường sạch đẹp, rợp bóng bàng xanh nghe biển hát rì rào mà thấy lòng thư thái, cuộc sống bình yên đến lạ. Cầu tàu lịch sử 914 là điểm hẹn du lịch nằm tại trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo. Tên gọi Cầu tàu cũng chính là số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Nhưng cầu cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang dịp đảo được giải phóng.
Mũi Cá mập điểm check in đón Bình Minh và Hoàng hôn đầy thơ mộng.
Sở hữu rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, Côn Đảo hội tụ các dải san hô lớn với mật độ rất dày. Do vậy, du khách thích thú khi được trải nghiệm lặn dưới mặt biển để ngắm rặng san hô lấp lánh đủ sắc màu hoặc xem rùa đẻ trứng lúc hoàng hôn buông xuống. Nơi đây có vườn Quốc gia diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm, luôn cuốn hút du khách khám phá.
Sự kết hợp giữa rừng và biển đã giúp Côn Đảo không ngừng phát triển, trở thành một trong những thiên đường du lịch biển nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam. Đảo đã được đầu tư cảng cá Bến Đầm. Ngư trường Côn Đảo luôn sôi động bởi các dịch vụ hậu cần nghề cá. Có thời điểm, tàu của các tỉnh cập vào Côn Đảo lên tới 5.000 - 6.000 chiếc.
Những cây bàng trăm tuổi vẫn còn đây, hiên ngang qua phong ba bão táp - Ảnh Phạm Anh
Đến với Côn Đảo hôm nay, dấu tích bi thương của tội ác chiến tranh vẫn còn đó trong những di tích lịch sử. Những cây bàng trăm tuổi vẫn còn kia, hiên ngang qua phong ba bão táp. Song Côn Đảo đã thay màu áo mới bởi cảnh sắc thiên nhiên đẹp nao lòng cùng cuộc sống bình yên, nhẹ nhàng, níu lòng du khách mãi nhớ về nơi được mệnh sanh là vùng đất thiêng, là bản thờ của Tổ quốc.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận