Khoa Điện tử viễn thông - ĐHBK Đà Nẵng mở chương trình đào tạo liên quan IoT, Robot, AI
Năm học 2020-2021, Khoa Điện tử - Viễn thông - ĐHBK Đà Nẵng mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Máy tính chuyên về Hệ thống nhúng, IoT, robot, Al...
- AI4VN - Ngày hội khởi động trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam
- Gia sư Trí Tuệ Nhân Tạo, giúp bạn thành thạo tiếng Anh!
- Phục dựng bản giao hưởng dang dở của Beethoven bằng trí tuệ nhân tạo
Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Điện tử Viễn thông - ĐHBK Đà Nẵng.
Tiếp cận các xu thế mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năm học 2020 - 2021, Khoa Điện tử - Viễn thông - thuộc Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng - đã mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Máy tính chuyên về Hệ thống nhúng, Internet vạn vật (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đã được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế.
Theo dữ liệu công bố bởi TopDev và Forbes Việt Nam, nhu cầu nhân lực liên quan đến nhóm ngành Công nghệ thông tin tăng 56% trong năm 2019 và được dự đoán sẽ tăng mạnh trong những năm tiếp theo.
Điều này có thể gây thiếu hụt khoảng 190.000 nhân lực vào năm 2021. Kỹ sư học máy (Machine learing) và trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), chuyên gia dữ liệu (Data scientist), và chuyên gia phát triển hệ thống nhúng (Embedded developers) là những vị trí được trả lương hậu hĩnh nhất.
Hoạt động ngoại khóa của sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông - ĐHBK Đà Nẵng,
Nắm bắt xu hướng này, Khoa Điện tử - Viễn thông thuộc Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã mở chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Máy tính và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020.
Ngành Kỹ thuật Máy tính tập trung đào tạo các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về thiết kế và phát triển các hệ thống phần cứng và phần mềm, trong đó chú trọng các khối kiến thức về lập trình, hệ thống nhúng, Internet vạn vật (IoT), học máy, trí tuệ nhân tạo,…
Ngành Kỹ thuật Máy tính hứa hẹn sẽ trở thành một trong những ngành đào tạo có nhu cầu cao trong thị trường lao động và là một mảnh ghép quan trọng trong nhóm ngành Công nghệ thông tin với đặc thù liên quan đến cả phần cứng và phần mềm.
Các ngành tuyển sinh khóa 2020 của Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Khoa Điện tử - Viễn thông tiếp tục đẩy mạnh đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông với vai trò là nguồn cung cấp nhân lực chính cho miền Trung và Tây Nguyên trong lĩnh vực này. Đây là chương trình đào tạo có bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm trong giảng dạy, với nhiều dự án hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế.
Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng chuyên môn để có thể thiết kế, chế tạo, vận hành các hệ thống điện tử, viễn thông và máy tính.
Chương trình đào tạo (CTĐT) của ngành tập trung chuyên sâu vào các mảng kiến thức về thiết kế vi mạch điện tử, IoT, robot, các hệ thống thông tin quang, mạng di động 5G và 6G,…
Đội ngũ giảng viên của Khoa Điện tử - Viễn thông - Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Đầu năm 2019, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra chính sách ưu tiên nguồn lực cho thành phố Đà Nẵng, với trọng tâm tập trung vào 5 lĩnh vực mũi nhọn.
Trong đó có lĩnh vực điện tử, viễn thông và máy tính. Nhờ đó, thành phố Đà Nẵng đã và đang đón nhận nhiều dự án lớn từ các công ty Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan,… liên quan đến lĩnh vực điện tử, viễn thông, máy tính với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 3.6 tỷ USD.
Ngoài ra, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đang là một điểm đến thu hút trong xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển các hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các yếu tố nêu trên đã đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các CTĐT của Khoa Điện tử - Viễn thông. Để đáp ứng các yêu cầu mới của xã hội, Khoa Điện tử - Viễn thông đã không ngừng cải tiến CTĐT theo hướng tiếp cận hiện đại, lấy người học làm trung tâm.
Chương trình đào tạo Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đạt chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA ((ASEAN University Network - Quality Assurance).
Từ khóa tuyển sinh 2020, các CTĐT của Khoa Điện tử - Viễn thông được cải tiến với khối lượng kiến thức toàn khoá gồm 180 tín chỉ và hướng đến tương đương với trình độ thạc sĩ, đảm bảo cung cấp cho người học một nền tảng vững chắc, từ kiến thức cơ bản đến kiến thức cơ sở ngành và chuyên sâu.
Người học còn được rèn luyện các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức và quản trị,… thông qua hình thức Học tập theo dự án (Project-based learning).
Buổi bảo vệ luận văn tốt nghiệp của sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông - ĐHBK Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, các CTĐT của Khoa Điện tử - Viễn thông sẽ được tổ chức theo hai mô hình: mô hình đào tạo với chương trình tích hợp Cử nhân - Kỹ sư, cấp hai bằng Cử nhân và Kỹ sư cho người tốt nghiệp với tổng thời gian đào tạo 5 năm; và mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình, tương ứng với hai trình độ Cử nhân và Kỹ sư, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư sau khi kết thúc mỗi giai đoạn đào tạo.
Thời gian đào tạo của mỗi giai đoạn: Cử nhân – 4 năm, Kỹ sư – 1,5 năm. Điều này cho phép người học có nhiều lựa chọn đáp ứng được với định hướng nghề nghiệp và cũng góp phần chuyên môn hóa sâu nguồn lực lao động trong tương lai.
Cùng với định hướng chung của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, các nỗ lực đổi mới và cải tiến không ngừng của Khoa Điện tử - Viễn thông là những bước đi vững chắc theo định hướng tiên phong nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo; để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội và góp phần chuẩn hóa giá trị văn bằng Kỹ sư trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận