Ngày nhà giáo Việt Nam nghĩ về những cô giáo nơi rẻo cao Sơn La
Những con đường gập ghềnh, những ngọn núi cheo leo là quãng đường mà mỗi ngày các cô giáo nơi rẻo cao Sơn La phải vượt qua để đến trường. Trên hành trình ấy, ngày qua ngày, họ đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn nhưng điều đó không thể ngăn các cô đến với học trò vùng cao thân thương.
- Cô giáo - Người mẹ thứ hai với hành trình mang con chữ đến những đứa trẻ đặc biệt
- Những món quà ý nghĩa dành tặng thầy cô giáo ngày 20/11
Cán Tỷ là một trong những điểm trường nằm xa trung tâm nhất của Trường Mầm non xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu. Để đến trường, từ khu trung tâm, giáo viên phải vòng sang xã khác, rồi đi thêm 30 km bằng xe máy theo con đường đất dọc triền núi.
Lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng, lớp học Mầm non với những bức tường được sơn màu vàng là ngôi nhà duy nhất ở khu vực này. Ở đây có 40 học sinh thuộc 3 độ tuổi khác nhau nhưng chỉ có duy nhất một giáo viên đứng lớp.
Cô giáo Sùng Thị Pà năm nay 24 tuổi, vào nghề được hơn 2 năm. Nước da rám nắng, đôi mắt cương nghị, những ai tiếp xúc với Pà đều nhận thấy ở cô sự chín chắn, từng trải mà những người ở độ tuổi này ít có được.
Một mình, một điểm trường, lại ở nơi hoang vu cách xa nhà dân, nếu không có sự kiên cường nhiều người sẽ nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Hàng ngày được tiếp xúc với sự hồn nhiên, đáng yêu của học trò vùng cao đã giúp Pà có thêm động lực để đến lớp. Hoàn cảnh của các em ở đây rất khó khăn, cô càng thương yêu các em hơn.
Cô giáo Sùng Thị Pà chia sẻ, các em ở đây học 2 buổi/ngày, khi có học sinh ở cùng, cô yên tâm giảng dạy. Đến chiều khi tan học, cô vào bản để ở nhờ nhà của người dân. Có một mình, lại là con gái nên có rất nhiều điều lo lắng.
Ở nhờ nhà người dân, điều kiện sinh hoạt đỡ vất vả hơn vì điểm trường chỉ có phòng học, không có nơi ăn, nơi ở cho giáo viên. Mỗi khi từ nhà lên trường, cô lại chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm để mang theo.
Hơn 2 năm công tác ở điểm trường lẻ, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cô giáo Pà là vào mùa mưa, đường trơn trượt, lầy lội và không thể về nhà được, có những lần phải ở lại trường hàng tháng trời.
“Lúc đó dù rất nhớ nhà, thương con, dù con đang ốm nhưng cũng không có cách nào để về được. Những lúc như thế, chỉ biết gọi điện về động viên chồng ở nhà thay vợ chăm sóc cho con”, cô giáo Pà chia sẻ.
Cũng là giáo viên mầm non ở xã Long Hẹ, cô giáo Hờ Thị Dua đã có thâm niên hơn 10 năm công tác ở vùng cao. Cô đã có mặt ở hầu hết các điểm trường của Trường Mầm non Long Hẹ.
Vì thế, cô thấu hiểu hơn ai hết sự khó khăn, vất vả của học sinh cũng như thiếu thốn trong quá trình giảng dạy. Ở những điểm trường cô đã từng công tác, hầu hết là học sinh các dân tộc Thái, Mông, La Ha. Các lớp học thường là lớp ghép của các em ở 3 độ tuổi khác nhau từ 3 đến 5 tuổi.
Cô giáo Hờ Thị Dua cho biết, do các em còn nhỏ, việc nghe và nói tiếng phổ thông chưa tốt nên quá trình giảng dạy cũng vất vả hơn nơi khác. Để các em có thể hiểu được, cô giáo vừa phải nói tiếng phổ thông, vừa giảng lại bằng tiếng dân tộc.
Trong cùng một lớp, giáo viên phải giảng dạy nhiều chương trình khác nhau để phù hợp với độ tuổi của các em. Để các em có thể tiếp thu, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian hướng dẫn. Nhưng không vì thế mà cô nản lòng.
Sau mỗi lần học sinh thuộc thêm một bài thơ, biết thêm một chữ cái và đọc lại cho cô giáo nghe, mọi vất vả, mệt mỏi đều quên đi. Không những thế, dù hoàn cảnh gia đình các em rất khó khăn nhưng phụ huynh rất quan tâm đến cô giáo.
“Thấy cô giáo hết thực phẩm chưa kịp đi mua, các phụ huynh người cho bó rau, người cho gói xôi. Những món quà đó tuy nhỏ nhưng lại là sự động viên lớn lao để cô giáo yên tâm bám trường, bám bản”, cô giáo Hờ Thị Dua bộc bạch.
Chia sẻ về những khó khăn chung của giáo viên công tác ở vùng cao, cô Lò Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Long Hẹ cho biết, ngoài khu trung tâm, trường còn có 4 điểm lẻ. Khoảng cách từ trung tâm đến điểm xa nhất là hơn 40 km. Ở các điểm lẻ, hệ thống cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, có những nơi chưa được cấp điện.
Bậc học Mầm non với đặc thù chỉ có giáo viên nữ, nên khi công tác ở vùng cao lại càng vất vả hơn. Để các cô yên tâm bám trường, bám bản, Ban Giám hiệu luôn động viên, chia sẻ với những khó khăn đó. Do khoảng cách xa, các hoạt động chung của trường đều được thông báo qua điện thoại.
Những khi cần thiết, các cô giáo ở điểm lẻ mới phải về trung tâm. Hàng năm, nhà trường thực hiện việc luân chuyển giáo viên từ các điểm trường xa về điểm gần hơn để các cô yên tâm giảng dạy.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận