Quang cảnh sao Hỏa nhìn từ tàu Perseverance ngày 18/2. Ảnh: NASA
Cuộc đua nóng trở lại
Những hình ảnh và âm thanh về sao Hỏa do tàu thăm dò Perseverance (Mỹ) gửi về sau khi hạ cánh thành công ngày 19/2 đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều người trên Trái đất. Sự kiện dường như cũng tác động tới tâm lý của các nhà khoa học Trung Quốc đang điều khiển tàu thăm dò Thiên Vấn-1, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Thiên Vấn-1 không phải là vật thể nhân tạo duy nhất còn hoạt động đang bay quanh sao Hỏa. "Al Amal", tàu thăm dò mang tên "Hi vọng" của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), đã quan sát hành tinh đỏ từ ngày 9/2, đánh dấu sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa đầu tiên của một quốc gia Trung Đông.
Thiên Vấn-1 là một trong ba sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa mới nhất được tiến hành trong cùng tháng 7-2020. Hai sứ mệnh khác là sứ mệnh của tàu Perseverance (Mỹ) và sứ mệnh của tàu Al Amal được tiến hành cách nhau chỉ 11 ngày. Dù cùng hướng tới sao Hỏa, mỗi tàu thăm dò lại mang trên mình ý nghĩa khác nhau.
Với Mỹ, dự án trị giá 1,2 tỉ USD là một nỗ lực củng cố sự thống trị trên hành tinh đỏ, khác với khao khát được chứng minh năng lực của Trung Quốc, UAE hay các nước khác.
Theo thông báo của Cơ quan vũ trụ quốc gia Trung Quốc ngày 24/2, Thiên Vấn-1 đã tiến vào quỹ đạo gần sao Hỏa thành công, mở đường cho việc hạ cánh lên bề mặt vào tháng 5 tới - tức chậm gần 3 tháng so với tàu Perseverance. Sự chậm trễ này cho thấy vẫn còn khoảng cách nhất định giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực không gian dù nước này đang tiến rất nhanh để bắt kịp Mỹ.
"Cũng giống như các nước khác, Trung Quốc muốn tăng sự hiểu biết của nhân loại về sao Hỏa. Nhưng sứ mệnh đó còn đi kèm với niềm tự hào quốc gia", Hãng thông tấn AFP trích lời chuyên gia không gian Carter Palmer (Mỹ) nhận định. Ông Palmer cũng lưu ý thời điểm Thiên Vấn-1 hạ cánh diễn ra chỉ 2 tháng trước cột mốc 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc UAE phóng tàu thăm dò là một động thái thú vị, không chỉ bởi sứ mệnh này được dẫn dắt bởi các nhà khoa học nữ. Quốc gia vùng Vịnh giàu dầu khí này đang đặt mục tiêu thiết lập khu định cư của con người trên sao Hỏa trong vòng 100 năm tới.
Không giống như Mỹ và Trung Quốc, UAE không đặt mục tiêu hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa. Tàu thăm dò Al Amal sẽ quan sát và thu thập thông tin về sao Hỏa từ khí quyển trong vòng 1 năm "sao Hỏa" - tương đương 687 ngày trên Trái đất.
Kỷ nguyên không gian 2.0
Sự xuất hiện của tàu thăm dò Al Amal là một minh chứng nữa củng cố nhận định nhân loại đang bước vào kỷ nguyên không gian mới. Đa dạng hơn, cạnh tranh hơn, châu Á hơn và không còn tập trung vào các nước lớn là đặc điểm của kỷ nguyên không gian 2.0, theo trang Space.com.
Sự hợp tác xuyên quốc gia cũng là một đặc điểm mới. Lấy ví dụ như tàu thăm dò sao Hỏa của UAE, trong khi tên lửa đẩy được chế tạo bởi Nhật Bản, tàu thăm dò là sản phẩm của các viện nghiên cứu Mỹ.
"Ba sứ mệnh đến sao Hỏa trong cùng một tháng là chưa có tiền lệ", giáo sư Christopher Impey thuộc Đại học Arizona (Mỹ) nhận định trên tờ Al Jazeera. Sự dồn dập này không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Khác với các sứ mệnh thám hiểm không gian khác, việc thám hiểm sao Hỏa đòi hỏi "thiên thời địa lợi". Theo nhà khoa học François Forget (Pháp), các sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa thường tuân theo chu kỳ 26 tháng và rơi vào thời điểm sao Hỏa gần Trái đất nhất.
Sẽ còn mất ít nhất 10 năm nữa hoặc hơn thế để con người có thể đặt chân lên sao Hỏa, theo Hãng tin Bloomberg. Tuy nhiên, sự cạnh tranh xen lẫn hợp tác giữa các nước được kỳ vọng sẽ rút ngắn quá trình đó, sớm biến giấc mơ "dạo chơi trên hành tinh đỏ" của loài người trở thành sự thật.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận