Câu chuyện khởi nghiệp của "cậu bé vàng" tin học và dự án BusMap
Lê Yên Thanh (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) từ chối mức lương siêu khủng tại Google về Việt Nam đầu quân cho công ty khởi nghiệp với mức thu nhập chưa tới 1/10. Đó là khi Thanh theo đuổi đến cùng dự án từ năm nhất sinh viên và biến nó thành công ty khởi nghiệp gọi được vốn đầu tư hơn 1 triệu USD.
Lê Yên Thanh (thứ ba từ phải sang) mong muốn cùng các cộng sự phát triển hơn nữa dự án BusMap.
Trở về nước sau gần 4 tháng thực tập tại Google (Mỹ), Lê Yên Thanh đầu quân vào một công ty khởi nghiệp chỉ vài nhân sự để thỏa sức sáng tạo với một ứng dụng giải trí mới. Là dân công nghệ, Thanh mê những điều mới mẻ và thích được chủ động trong mọi việc.
Rời Thung lũng Silicon với mức lương thực tập gần 140 triệu đồng/tháng, Thanh trải qua nhiều vòng thi và được mời về Google tại Singapore làm việc với khoản thu nhập lớn hơn. Thế nhưng, Thanh chọn trở về quê hương theo đuổi giấc mơ công nghệ của mình dù biết sẽ lắm chông gai.
Nhiều người thắc mắc liệu có quá nông nổi khi từ chối môi trường chuyên nghiệp của “ông lớn” Google để về nước làm cho công ty khởi nghiệp mà chưa biết tương lai thế nào, Thanh cười: “Mình còn trẻ mà, cứ phải sống với đam mê trước đã. Tôi muốn có áp lực để phấn đấu từng ngày thay vì sống trong môi trường quá an toàn. Trước khi ra trường, tôi cũng muốn làm công việc có thu nhập cao nhưng sau đó lại thấy ít tiền một chút mà được là chính mình mỗi ngày vẫn xứng đáng hơn”.
Đầu quân lần lượt vào các vị trí khác nhau cho ba công ty khởi nghiệp trong nước, năm 25 tuổi, Thanh nghĩ đến việc phải làm gì đó cho riêng mình. Vậy là công ty khởi nghiệp mang tên BusMap của Thanh ra đời chỉ với hai nhân sự.
BusMap không phải là ý tưởng mới, nó là dự án được Thanh xây dựng từ khi vừa vào đại học với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân TP.HCM, nhất là các bạn học sinh, sinh viên khi sử dụng hệ thống xe buýt công cộng.
Lê Yên Thanh nhớ lại: “Khi khởi nghiệp, có rất nhiều ý tưởng có thể kiếm tiền được ngay nhưng tôi vẫn chọn phát triển BusMap vì không muốn ứng dụng này biến mất, ảnh hưởng đến người dùng. Có rất nhiều người cảm ơn ứng dụng miễn phí này vì nó giúp họ chủ động hơn trong việc di chuyển khi đến TP.HCM học tập, làm việc. Bao nhiêu năm qua khi âm thầm duy trì ứng dụng, tôi luôn tự hỏi nếu mình không làm thì ai sẽ làm vì ứng dụng chuyên về xe buýt thì chẳng bao giờ có lời. Mình làm tốt thì cứ vậy mà tiếp tục thôi. Khi bắt đầu khởi nghiệp bằng một ứng dụng cộng đồng, mục tiêu của tôi là tìm cho được nhà đầu tư để nâng tầm dự án”.
Ngày mong đợi đến
Tháng 3/2019, BusMap gia nhập cộng đồng doanh nghiệp trong nước với mô hình cực nhỏ nhưng đến thời điểm hiện tại, Lê Yên Thanh và cộng sự đã làm được nhiều điều khiến cộng đồng bất ngờ. Một năm sau khi bỏ tiền túi vận hành mọi thứ, tháng 3/2020, “cha đẻ” BusMap đã gọi vốn thành công hơn 1 triệu USD từ một tập đoàn lớn.
Điều khiến Thanh an tâm hơn cả là tập đoàn này cho phép anh tiếp tục phát triển ứng dụng miễn phí để phục vụ cộng đồng. Từ hai nhân sự ban đầu, giờ BusMap đã có hơn 20 nhân sự, đều là những người trẻ năng động, sáng tạo và giàu tâm huyết.
Năm 2013, ngay khi ra mắt, BusMap đạt 50.000 lượt tải. Đến năm 2019, ứng dụng này đã đạt mức một triệu lượt tải. Năm 2020, con số này đã là hai triệu lượt tải với 400.000 người dùng mỗi tháng. Một con số tăng trưởng mà bản thân Thanh cũng không ngờ.
Từ một đồ án “made in sinh viên”, BusMap đã trở thành app thân thiện được hàng ngàn sinh viên, người lao động yêu thích vì có nhiều tính năng tích hợp. Ban đầu chỉ phủ sóng tại TP.HCM, đến nay, BusMap đã mở rộng ra Hà Nội, TP. Đà Nẵng và hai thành phố lớn của Thái Lan là Bangkok và Chiang Mai để người dân Việt sang đó du lịch khỏi bỡ ngỡ chuyện đi lại, vui chơi.
Nói nghe đơn giản vậy nhưng chặng đường khởi nghiệp có bao giờ bằng phẳng, nhất là với người trẻ còn nhiều bỡ ngỡ như Thanh. Có đam mê, giàu thực lực nhưng cái khó mà Thanh đang gánh trên vai chính là khởi nghiệp bằng một ứng dụng cộng đồng hoàn toàn miễn phí. Nghe đến nhóm khách hàng sử dụng xe buýt, đa phần các nhà đầu tư lắc đầu vì sợ rót vốn vào biết bao giờ hoàn lại chứ đừng bàn chuyện sinh lời.
Trong suốt một năm vừa làm việc không lương vừa gõ cửa nhiều nơi tìm người tin tưởng mình trên hành trình khởi nghiệp, thi thoảng Thanh cất tiếng thở dài nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc.
“Có giai đoạn tôi phải nghỉ cả tuần để quyết định xem mình nên làm gì tiếp theo. Cuối cùng, tôi quyết định đặt ra áp lực cho bản thân phải tìm được nhà đầu tư cho BusMap trước tháng 4/2020. Cũng có vài nơi ngỏ lời nhưng tôi thấy họ không cùng chí hướng nên chấp nhận mất thêm một khoảng thời gian nữa để có thể phát triển ứng dụng tốt hơn, gọi vốn nhiều hơn. Cuối cùng, cơ hội đã tới”, Thanh mỉm cười khi kể lại hành trình đã qua.
Phía trước là bầu trời
Làm miễn phí nhưng phải bài bản, chuyên nghiệp là điều mà Thanh luôn nhắc nhở chính bản thân cùng các cộng sự trong quá trình phát triển BusMap. Những lời góp ý của người dùng được Thanh tổng hợp lại, nay sửa chỗ này, mai thêm tính năng kia, miễn sao nhiều người thoải mái khi đi xe buýt, giải pháp giao thông công cộng tiết kiệm nhất hiện nay.
Từ chức năng đơn giản là bản đồ xe buýt trên điện thoại, máy tính, sau 7 năm vận hành, đến thời điểm hiện tại BusMap đã được nâng cấp thành bản đồ giao thông công cộng với nhiều tính năng, tiện ích.
“Quả ngọt” đầu tiên BusMap nhận được là giải thưởng Tin học trẻ TP.HCM năm 2013. Lúc đó Thanh là sinh viên năm nhất. Khi được phát triển thành dự án khởi nghiệp, BusMap xuất sắc vượt qua nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn để trở thành quán quân hạng mục “Thành phố thông minh thuộc ITU Digital World Awards” do Liên minh Viễn thông quốc tế tổ chức cuối năm 2020.
Đây là giải thưởng uy tín vinh danh những giải pháp và cống hiến xuất sắc, với mục đích xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua các phát kiến và công nghệ hiện đại.
Ngày nghe tên mình được xướng lên, Thanh xúc động lắm. Xúc động vì sau 7 năm miệt mài, sau tất cả nỗ lực, cuối cùng BusMap cũng được đánh giá cao với những gì dự án lặng lẽ mang lại cho cộng đồng.
Thanh nói, sau khi xuất hiện tại ba thành phố lớn, đến thời điểm hiện tại BusMap đã đủ công nghệ để mở rộng ra cả nước. Thanh mong muốn đồng hành với các địa phương để có thể hỗ trợ số hóa hệ thống giao thông công cộng, kết nối đầy đủ hệ thống xe buýt của toàn Việt Nam.
Từ ngày dự án ra đời đến nay, Thanh chưa hề quảng cáo BusMap nhưng ứng dụng này vẫn được nhiều người giới thiệu nhau sử dụng. Tuy nhiên, theo người sáng lập BusMap, muốn đi đường dài, bên cạnh một sản phẩm công nghệ chỉn chu, tiên tiến, cần những chính sách mở để thêm nhiều cánh cửa tiếp cận thị trường.
Không chỉ giỏi công nghệ như khi vừa tốt nghiệp đại học, giờ Thanh đã nắm rõ quy trình vận hành doanh nghiệp, cách tiếp cận các nguồn vốn đầu tư và thúc đẩy tiến trình dự án. Mục tiêu cao nhất Thanh đặt ra trong tương lai gần là biến BusMap thành một trong những công ty công nghệ lớn của Việt Nam.
Theo Tạp Chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận