Tiệm "Bánh mì Xin chào" của người Việt khiến người Nhật thích thú
Bánh mì Xin Chào đang có ba chi nhánh tại Nhật, trong đó có hai tiệm tại Tokyo và một tiệm nhượng quyền ở Kobe. BMXC của hai người con đất Quảng Bùi Thanh Duy (34 tuổi) và Bùi Thanh Tâm (29 tuổi) xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông hàng đầu.
- "Banh mi" - Danh từ chỉ bánh mì Việt Nam trong Từ điển tiếng Anh Oxford
- Bánh mi Sài Gòn - Đại diện cho văn hoá ẩm thực người TP HCM
Nam diễn viên nổi tiếng Horii Arata (giữa) của Đài truyền hình NHK đến ghi hình, phỏng vấn hai anh em Bùi Thanh Tâm và Bùi Thanh Duy vào đầu năm 2020. Ảnh: Duy Tâm
Dẫu vậy con đường đó không trải hoa hồng bởi thị trường Nhật vốn vô cùng khắc nghiệt, bạn Thanh Tâm đã trải lòng: "Tiệm Bánh mì Xin Chào" (BMXC) đầu tiên ra đời vào tháng 10/2016, số lượng bánh bán ra mỗi ngày là 200 ổ. Điều đáng mừng là doanh thu của BMXC vẫn tăng trưởng đều nhờ các sản phẩm đi kèm như cà phê và nước giải khát bán theo combo.
Cũng trong thời gian này, BMXC may mắn tiếp tục được lên sách, tạp chí lớn, đài truyền hình danh tiếng hàng đầu nước Nhật là NHK nên được nhiều người biết đến hơn, giúp chúng tôi tự tin hơn về mô hình kinh doanh và hướng đi của mình".
Những thử thách khi bắt đầu mở thêm chi nhánh?
Trước khi mở thêm chi nhánh, chúng tôi đều tuyển thêm nhân sự và hoàn thiện tất cả quy trình làm việc, dịch vụ, huấn luyện bài bản nhân viên... nên không gặp quá nhiều khó khăn về nhân sự. Thử thách lớn nhất khi mở chi nhánh mới là tài chính. Chi phí mở chi nhánh mới rất lớn, phải xoay xở nhiều phía thì đi vào hoạt động ổn định.
Thanh Tâm (phải) cùng vợ đang làm bánh mì tại quán. Ảnh: Công Nhật
Được biết bạn có nhượng quyền, vậy quá trình đó có gì cần lưu ý?
- Hiện tại BMXC đã nhượng quyền thành công cửa hàng đầu tiên tại Kobe vào tháng 6-2020 và đang hoạt động ổn định, đạt lợi nhuận ngay từ tháng đầu tiên.
Phải mất hơn ba năm thì ước mơ mở rộng mô hình, nhượng quyền của BMXC mới thành hiện thực. Thật ra từ năm 2018 cũng có nhiều đối tác chủ động kết nối để nhượng quyền BMXC nhưng cuối cùng không đi đến đích do không tìm được tiếng nói chung. Chúng tôi cũng tự thấy còn quá nhiều điều cần tìm hiểu, học hỏi.
Lời khuyên cho câu chuyện nhượng quyền?
- Việc đầu tiên cần làm là tối ưu hóa mô hình kinh doanh mình đang sở hữu, chuẩn hóa mọi quy trình rồi mới nghĩ đến việc triển khai nhượng quyền.
Thêm vào đó phải cùng với luật sư thiết lập cơ sở pháp lý, ràng buộc giữa hai bên khi ký kết hợp đồng nhượng quyền, đồng thời đánh giá rõ ràng ưu nhược của mô hình nhượng quyền nhãn hiệu, sẵn sàng ứng phó cho những tình huống xấu, rủi ro có thể xảy ra...
Trong COVID-19, chuỗi tiệm của bạn có bị ảnh hưởng đáng kể?
- Ngay từ lúc dịch bắt đầu "nóng" tại Vũ Hán, báo đài liên tục cảnh báo, nhắc nhở người dân phòng ngừa đã tạo một làn sóng sợ việc ra ngoài của người dân Nhật Bản, lúc này tất cả các loại hình dịch vụ, quán xá bắt đầu bị ảnh hưởng.
Và khi các đường bay quốc tế bị cấm cửa cũng là lúc BMXC bị chao đảo, nhất là chi nhánh mới khi nằm ngay vị trí khu du lịch, ít dân cư. Doanh số của tiệm giảm đến 50%, chúng tôi gồng mình, vùng vẫy tìm mọi cách thoát khỏi khủng hoảng.
Ngoài bánh mì, tiệm Xin Chào còn giới thiệu các đặc sản khác của Việt Nam như cafe sữa, mì Quảng, nước ép trái cây - Ảnh: Công Nhật
Giải pháp lúc đó?
- Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, doanh số giảm sút đáng kể, chúng tôi đã quyết định nghiên cứu, đẩy mạnh nhiều hoạt động như: thực hiện chiến dịch bán mang về và giao hàng trên xe điện, bán coupon điện tử, kết hợp với một ứng dụng vận chuyển có tiếng... để đảm bảo yếu tố vệ sinh, tiện lợi.
Và nhờ đó mà dù nằm ngay trong tâm dịch là thành phố Tokyo, chúng tôi vẫn lấy lại doanh số ngang ngửa, có lúc thậm chí cao hơn cả trước dịch.
Ngoài ra, chúng tôi cũng rất biết ơn những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Nhật Bản cho các doanh nghiệp thời điểm đó như giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà...
Bạn có lời khuyên gì cho những bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp ở nước ngoài?
- Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhất là khởi nghiệp nơi đất khách quê người. Chính vì vậy, khi bắt đầu lên ý tưởng các bạn trẻ cần phải xác định rõ ràng mục tiêu, tiềm năng thị trường và phân khúc khách hàng mình nhắm đến. Tìm hiểu rõ ràng và chắc chắn về luật pháp, các quy định về lĩnh vực mình kinh doanh để tránh rắc rối về pháp lý sau này.
Người Nhật có tiếng là một dân tộc bảo thủ, ít khi tiếp nhận cái mới, tuy nhiên nếu đã chinh phục được họ thì họ sẽ rất trung thành với sản phẩm của mình.
Hai thực khách người Nhật háo hức thưởng thức ẩm thực Việt tại quán. Ảnh: Công Nhật
Có hay không một thử thách mà các bạn tưởng chừng không vượt qua nổi?
- Từ lúc mở cửa đến giờ có một lần chúng tôi tưởng chừng sẽ không vượt qua nổi.
Sáu tháng đầu tiên sau khi mở quán, tình hình doanh thu không đạt được như kỳ vọng, tài chính cạn kiệt... do sản phẩm chưa được người Nhật đón nhận khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Nhiều lần chúng tôi cứ ngỡ đã vào đường cùng.
Nhưng chúng tôi tự nhủ phải quyết tâm hơn, tìm cách cải thiện chất lượng sản phẩm, quảng cáo... rồi từ từ khách hàng bắt đầu quen dần, doanh số cải thiện đáng kể. Từ tháng thứ 7 trở đi, câu chuyện dần được "vẽ" lại.
Ngoài bánh mì, hiện các bạn cũng định "tấn công" sang một số mặt hàng khác như cà phê, mì Quảng...?
- BMXC vẫn có bán các sản phẩm như cà phê, mì Quảng ngay từ đầu lúc mới mở, nhưng sau hơn ba năm hoạt động, nhận thấy sự cần thiết cho việc mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu lớn mạnh hơn, chúng tôi đã kết hợp cùng một công ty chuyên xuất khẩu cà phê sang thị trường Âu - Mỹ sản xuất sản phẩm cà phê BMXC dành riêng cho thị trường Nhật. Đây là thị trường ngách mà hiện tại vẫn chưa được nhiều người khai thác hết tiềm năng.
Hiện tại lượng khách của mặt hàng trên ở BMXC đã dần vào ổn định, trong đó khách người Nhật chiếm từ 50-80%.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận