IMF: Fed và các NHTW nên chuẩn bị tâm lý thắt chặt chính sách
Các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ trong trường hợp lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo trong báo cáo ngày 12/10.
- Cựu lãnh đạo IMF hối thúc EU đánh giá lại chính sách tiền tệ
- Chính sách tiền tệ ổn định - Nền tảng vững chắc cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế
- Trung Quốc thắt chặt các hoạt động kinh doanh trên môi trường internet
IMF phần lớn vẫn đồng tình với các đánh giá từ Fed và nhiều chuyên gia kinh tế khác rằng lạm phát rồi sẽ dịu lại. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng các dự báo này “có độ không chắc chắn khá cao”.
Tổ chức này đề cập tới Mỹ cũng như Anh và các nước phát triển khác là những nơi mà “rủi ro lạm phát đang nghiêng theo hướng gia tăng”.
“Mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung có thể bỏ qua các đà tăng tạm thời của lạm phát, nhưng các lãnh đạo NHTW nên chuẩn bị tâm lý để hành động nhanh chóng nếu rủi ro kỳ vọng lạm phát gia tăng trở thành hiện thực trong bối cảnh bất ổn này”, bà Gita Gopinath, Cố vấn kinh tế và Giám đốc nghiên cứu tại IMF, cho biết trong báo cáo.
“Các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị trước các hành động, thông báo rõ về các yếu tố thôi thúc NHTW hành động và các động thái phải đồng nhất với những gì đã truyền tải”, bà nói.
Các quan chức Fed trước đó cho biết “vũ khí chính” để đối chọi với lạm phát là nâng lãi suất. NHTW Mỹ đã không nâng lãi suất kể từ năm 2018.
Lời cảnh báo trên là một phần trong báo cáo cập nhật về các điều kiện kinh tế toàn cầu của IMF. Quỹ này đã hạ nhẹ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, nhưng với nền kinh tế Mỹ, họ hạ 1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7/2021.
Khi lạm phát Mỹ quanh quẩn ở đỉnh 30 năm, Fed phải đau đầu suy nghĩ về thời điểm bắt đầu rút lại các gói hỗ trợ tiền tệ đã đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Mặc dù không đề cập đến Fed, nhưng phần lớn đánh giá về lạm phát của IMF đều gián tiếp nói về một điều chỉnh về chính sách mà Fed thực hiện hồi tháng 9/2020.
Tại thời điểm đó, Fed cho biết sẵn lòng để lạm phát tăng nóng hơn bình thường để đạt mức toàn dụng nhân công, đồng thời lan tỏa lợi ích từ đà hồi phục tới người dân.
Kiểu chính sách này mang lại một số nguy cơ nếu kỳ vọng lạm phát bắt đầu gia tăng, IMF cho biết. “Trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp còn khá cao và rủi ro kỳ vọng lạm phát gia tăng dần dần lộ rõ, chính sách tiền tệ có thể cần phải được thắt chặt, ngay cả khi đà hồi phục trên thị trường việc làm bị chững lại”.
Việc chờ đợi thị trường việc làm hồi phục mạnh hơn “sẽ phải chịu rủi ro lạm phát tăng mạnh” – một yếu tố sẽ hủy hoại mục tiêu của chính sách Fed, IMF cho biết.
Fed thường sử dụng “các dự báo về tương lai” (forward guidance) để vẽ ra bức tranh rõ ràng hơn về các ý định tương lai của họ và các tiêu chí để thay đổi chính sách. Trong cảnh báo của mình, IMF cho biết việc truyền tải thông tin sẽ là chìa khóa để tránh gây ra các cú sốc cho nền kinh tế khi thay đổi định hướng chính sách.
“Các diễn biến chưa từng có tiền lệ khiến việc truyền tải thông tin minh bạch và rõ ràng về triển vọng chính sách tiền tệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, trích từ báo cáo.
Mới đây, CEO Jamie Dimon của JPMorgan cũng lên tiếng cho rằng lạm phát rồi sẽ hạ nhiệt vì ông kỳ vọng các rắc rối về chuỗi cung ứng sẽ kết thúc trong năm 2022.
Hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cập nhật công bố ngày 12/10, định chế có trụ sở ở Washington dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5.9% trong năm nay, giảm 0.1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 7.
Tuy nhiên, đây vẫn là một sự khởi sắc mạnh nếu so với việc kinh tế thế giới giảm 3.1% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022 được IMF giữ nguyên ở mức 4.9%.
IMF nhận định rằng những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã gia tăng, bao gồm biến chủng Delta, những gián đoạn chuỗi cung ứng, và lạm phát leo thang, đặc biệt là sự tăng giá thực phẩm và nhiên liệu. Đặc biệt, báo cáo giảm mạnh dự báo tăng trưởng đối với một số quốc gia, nhất là những nước thu nhập thấp không được tiếp cận đầy đủ với vaccine.
“Nhìn chung, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế đã tăng lên, và sự đánh đổi chính sách càng trở nên phức tạp hơn”, bà Gita Gopinath, nhận định khi công bố báo cáo. “Sự khác biệt nguy hiểm về triển vọng kinh tế giữa các quốc gia vẫn đang là một rủi ro lớn.
Theo Tạp chí Điện tử/CNBC
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận