Triển khai đồng bộ giải pháp nhằm hạn chế những bất cập trong xây dựng thương hiệu nông sản tại Việt Nam
Bài học thương hiệu gạo ST25 - đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, cho thấy một trong những điểm yếu về năng lực cạnh tranh của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi chưa dành sự quan tâm, hiểu biết và đầu tư thích đáng cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ thành quả, công sức và sự sáng tạo của chính mình.
- ST25 là giống lúa nên sẽ không được bảo hộ tại Mỹ
- Sở hữu trí tuệ nên là nền tảng của sản phẩm Make in Vietnam
- AI đầu tiên trên thế giới nộp đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tại châu Âu
Theo một báo cáo của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tiến hành khảo sát mới đây cho thấy, chỉ 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% doanh nghiệp được hỏi, tin tưởng rằng thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng.
Cà phê Buôn Ma Thuột đã là một bài học cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Trong khi đó, hầu hết những doanh nghiệp khác đều chưa có sự nhận thức đúng đắn về vấn đề thương hiệu; cũng như chưa đánh giá cao sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm, nên chỉ mới quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước mà chưa chú ý tới đăng ký ở nước ngoài.
Có thể liệt kê một số vụ việc từng được nhắc tới như mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk hay kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc... Đó là những bài học đắt giá để mỗi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khi bước ra thương trường đều cần hiểu rằng, phải coi trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu; đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi, thương hiệu không chỉ là cái tên, mà còn là biểu hiện sự thành công của sản phẩm và ẩn sâu trong đó là niềm tin của người tiêu dùng.
TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, việc bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam; trong đó, bao gồm cả các ngành hàng nông sản không chỉ là vấn đề của riêng mỗi doanh nghiệp. Đây là câu chuyện kinh tế, là hình ảnh của cả một quốc gia. Các doanh nghiệp cần chú trọng và đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình. Bởi thực tế hiện nay, những thương hiệu của Việt Nam mà ở nước ngoài đạt tới độ nhắc tới Việt Nam là khách hàng nghĩ ngay tới sản phẩm đó và ngược lại thì vẫn còn quá ít.
Trong khi đó, tại các địa phương, dù hiện có rất nhiều sản phẩm đặc sản để có thể đưa lên thành thương hiệu đại diện và xuất khẩu rộng ra thị trường nước ngoài nhưng việc bảo hộ thương hiệu vẫn còn quá ít.
Việc hợp tác giữa các ban, ngành và số đông doanh nghiệp trong việc phát triển và bảo hộ thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam ngay tại thị trường nội địa cũng rất hạn chế, mạnh ai người nấy làm; chứ chưa nói tới vươn ra thị trường nước ngoài... Đã tới lúc phải thực sự nhìn lại để thay đổi và khẩn trương thay đổi cho sớm, ông Thoại nhấn mạnh.
Chia sẻ về những giải pháp giúp doanh nghiệp có thể tự bảo vệ thương hiệu, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW cho hay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với nhiều cam kết thúc đẩy và lành mạnh hóa thị trường; trong đó, có quyền sở hữu trí tuệ thì các doanh nghiệp cần quân tâm hơn nữa tới nhãn hiệu, thương hiệu. Điều này không chỉ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài.
Việc xác định đúng đối tượng và đăng ký nhãn hiệu có thể quyết định đến việc thành bại của chính doanh nghiệp. Việc tạo lập một hành lang pháp lý trước khi đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài cũng rất quan trọng.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu để tâm tới "lợi nhuận" mà ít quan tâm tới yếu tố quan trọng, đó là tên tuổi, là thương hiệu của mình.
Về phía cơ quan chức năng, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: “Bộ Công thương không thể hỗ trợ trực tiếp nhưng có thể tư vấn, đồng hành cùng nhà sản xuất đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ thương hiệu không chỉ cho gạo ST25 mà cho cả các thương hiệu sản phẩm khác của Việt Nam”.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ gia tăng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò thương hiệu, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, từ đó nâng cao nhận thức, vai trò của bảo vệ thương hiệu. Giám sát việc xâm hại bản quyền nhãn hiệu của Việt Nam trên các thị trường, đăng ký bảo hộ kịp thời.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo tập huấn, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường trong nước và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm. Thông qua mạng lưới chuyên gia, sẽ giới thiệu chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp thương mại quốc tế để hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm xuất khẩu ở những thị trường trọng điểm.
Khi có nguy cơ xảy ra bảo hộ nhãn hiệu thương mại, Bộ Công thương thông qua hệ thống tham tán tại nước ngoài, hệ thống thông tin từ các chuyên gia quốc gia nắm bắt kịp thời để cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp xử lý.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận