Facebook bất ngờ tuyên bố trở lại bàn đàm phán với truyền thông Australia
Sau gần 1 tuần thực hiện những biện pháp cứng rắn để phản ứng với những quy định của giới chức Australia, Facebook đã phát đi những tín hiệu cho thấy sẽ quay trở lại bàn đàm phán với truyền thông nước này cùng với đó sẽ là việc mở "chặn" với tin tức ở xứ sở Chuột túi.
- Facebook "đoạn tuyệt" với truyền thông Australia - Giới chức Canbera nói gì?
- Australia lấy Bing "doạ" lại Google
- Australia kỳ vọng cân bằng thu nhập với Facebook, Google thông qua bộ quy tắc ứng xử
Trong những ngày tới, trang mạng xã hội Facebook sẽ dỡ bỏ việc chặn tin tức của các tổ chức báo chí Australia xuất hiện trên nền tảng xã hội này sau khi chính phủ nước này nhất trí sửa đổi dự luật buộc mạng xã hội này phải trả tiền cho các công ty truyền thông nước sở tại về việc sử dụng nội dung tin tức.
Thông báo trên được đưa ra ngày 23/2, gần một tuần sau khi Facebook chặn quyền truy cập tin tức nội địa trên nền tảng truyền thông xã hội này nhằm phản đối Bộ quy tắc thương lượng giữa các phương tiện truyền thông và các hãng tin tức do Chính phủ Australia đề xuất.
Facebook trở lại bàn đàm phán với giới truyền thông Australia đồng nghĩa với việc "quy phục" Canbera. Ảnh: CNet
Nếu được thông qua, Bộ quy tắc trên sẽ buộc các hãng công nghệ lớn như Facebook và Google trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức của các tổ chức báo chí Australia, trừ khi hai bên chủ động ký kết thỏa thuận về vấn đề này.
Động thái chặn quyền truy cập vào các trang tin tức Australia của Facebook đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính giới, người dân Australia và chính phủ nhiều nước.
Trong những hoạt động có liên quan đến vấn đề bản quyền tin tức, “gã khổng lồ” công nghệ Microsoft và bốn tổ chức lớn về báo chí ở Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch hợp tác tạo ra một giải pháp buộc các nền tảng công nghệ lớn phải trả tiền khi sử dụng các nội dung tin tức.
Microsoft đang hợp tác với hai tổ chức vận động hành lang là Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu và Tổ chức truyền thông báo chí châu Âu, cùng với hai tổ chức đại diện cho các tòa soạn báo ở châu Âu.
Nhóm này cho biết sẽ lấy cảm hứng từ nội dung dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông được đề xuất ở Australia (Ôx-trây-li-a) để buộc các nền tảng công nghệ lớn chia sẻ doanh thu với các tòa soạn báo. Giải pháp này còn bao gồm một hệ thống trọng tài để giải quyết các tranh chấp nhằm đưa ra mức giá hợp lý cho các nội dung tin tức.
Facebook hồi tuần trước đã chặn người dùng ở Australia tiếp cận và chia sẻ tin tức trên nền tảng này để đáp lại dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông của Chính phủ Australia. Nhưng động thái bất ngờ này đã tạo nên phản ứng dữ dội từ dư luận và làm gia tăng cuộc tranh luận về mức độ quyền lực của các mạng xã hội.
Trong khi đó, Google đã chọn hướng đi khác khi đạt được thỏa thuận trả phí với các cơ quan báo chí, sau khi rút lại lời đe dọa đóng công cụ tìm kiếm của mình đối với người dùng ở Australia.
Ngược lại, Microsoft đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các kế hoạch của Chính phủ Australia vốn có thể góp phần làm gia tăng thị phần của công cụ tìm kiếm Bing thuộc sở hữu của “ông lớn” này.
Các nước EU đang đưa các quy định sửa đổi về bản quyền vào áp dụng trước tháng Sáu. Các quy định này cho phép các tòa soạn và công ty tin tức được đàm phán về các khoản phí mà các nền tảng kỹ thuật số phải chi trả để sử dụng các nội dung của họ. Nhưng vẫn có những lo ngại về sự mất cân bằng trong quyền lực thương lượng giữa hai bên.
Trong một tuyên bố chung, nhóm tổ chức nói trên cho rằng các nhà xuất bản có thể không có quyền lực kinh tế để đàm phán các thỏa thuận công bằng và bình đẳng với các công ty công nghệ, khi những “người gác cổng” này có thể đe dọa sẽ dừng đàm phán hoặc rút khỏi thị trường hoàn toàn. Vì thế, nhóm này kêu gọi cần bổ sung các biện pháp mới vào các quy định cải cách sắp tới để giải quyết vấn đề này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận