EU đòi quyền ưu tiên với vắc-xin AstraZeneca
Giới chức EU phát đi yêu cầu quyền ưu tiên trong phân phối vắc-xin sau khi hãng dược phẩm Anh - Thuỵ Điển không thể giao đủ số lượng theo cam kết ban đầu với Lục địa già và sẵn sàng cấm xuất khẩu nếu không được đáp ứng.
- Reuters: AstraZeneca không thể giao đủ vắc-xin phòng COVID-19 cho EU
- Bộ Y tế thông tin về tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19
- Hacker giả mạo nhà cung cấp chuỗi cung ứng lạnh Trung Quốc để tấn công dịch vụ vận chuyển vaccine phòng COVID-19
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo sẽ cấm hãng dược phẩm AstraZeneca xuất khẩu vắc-xin ngừa COVID-19 nếu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không được nhận vắc-xin đầu tiên. Đây là diễn biến mới nhất trong tranh cãi đang ngày một xấu đi giữa hai bên liên quan đến việc giao hàng bị chậm trễ.
Trả lời phỏng vấn của tập đoàn truyền thông Funke của Đức ngày 20/3, bà von der Leyen cho biết: "Chúng tôi có một lựa chọn là cấm xuất khẩu. Thông điệp gửi tới AstraZeneca là hãy thực hiện đầy đủ hợp đồng với châu Âu trước khi giao vắc-xin cho các nước khác".
Trước khả năng không được cung cấp đủ số liều vắc-xin phòng COVID-19 khiến giới chức EU có thể cấm xuất khẩu Astrazeneca.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh EU đang gấp rút đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 khi mà dịch bệnh tại nhiều nước thành viên đang diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ nhiễm mới tăng mạnh buộc chính quyền phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Chủ tịch von der Leyen cho biết công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển nói trên mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều vắc-xin AstraZeneca đã thỏa thuận trong quý I/2021. Công ty này giải thích sản xuất bị đình trệ vì các nhà máy của hãng ở EU, nhưng giới chức châu Âu không hài lòng khi AstraZeneca vẫn có thể giao hàng đầy đủ theo hợp đồng ký với Anh. Bà von der Leyen tuyên bố để ngỏ mọi khả năng và vấn đề vắc-xin sẽ được các nhà lãnh đạo EU giải quyết trong cuộc gặp tới đây.
Cơ chế cấm xuất khẩu của EU trước tiên phải do một nước thành viên đề xuất, sau đó được EC phê chuẩn trước khi có hiệu lực. Cơ chế này đến nay chỉ được sử dụng một lần, khi Italy ngăn chặn việc xuất khẩu 250.000 liều vắc-xin của AstraZeneca sang Australia với lý do "tình trạng khan hiếm kéo dài" và "cung cấp chậm trễ".
Không phải tất cả thành viên EU ủng hộ lệnh cấm xuất khẩu do cho rằng điều này có thể làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nước như Bỉ và Hà Lan kêu gọi EC thận trọng trong xử lý vấn đề này.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận