Bất bình đẳng kinh tế và quyền lực của đại gia công nghệ (big tech) cũng bị coi là hai nhân tố lớn nhất đe dọa dân chủ
Một khảo sát mới đây cho thấy gần một nửa số người trả lời họ lo ngại Mỹ đe dọa nền dân chủ ở nước họ. Bất bình đẳng kinh tế và quyền lực của đại gia công nghệ (big tech) cũng bị coi là hai nhân tố lớn nhất đe dọa dân chủ.
Nghiên cứu này được tờ Guardian (Anh) trích dẫn trong bài viết ngày 5-5. Alliance of Democracies Foundation (tạm dịch: Quỹ Liên minh dân chủ) đã khảo sát 50.000 người từ 53 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong thời gian từ tháng 2 tới tháng 4 năm nay.
Khảo sát này cho thấy sự ủng hộ dành cho nền dân chủ vẫn ở mức cao, bất kể khác biệt giữa các nước trong cách đánh giá việc xử lý đại dịch COVID-19 dành cho chính phủ.
Người tham gia khảo sát ở Na Uy, Thụy Sĩ và Thụy Điển nằm trong số những người tin tưởng nhất vào nền dân chủ của họ.
Người Trung Quốc cũng được đánh giá tin tưởng vào nền dân chủ của họ khá cao, ở mức 71%. Sự ủng hộ toàn cầu dành cho kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh dân chủ vẫn cao ở hầu hết các quốc gia khảo sát, trừ Trung Quốc và Nga.
Tờ Guardian dùng từ "ngạc nhiên" đối với kết quả cho thấy 44% người tham gia khảo sát này khẳng định lo ngại rằng Mỹ đe dọa nền dân chủ ở quốc gia họ. Để so sánh, lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc là 38%, còn với Nga là 28%.
Trong số các nhân tố gây lo ngại cho nền dân chủ, bất bình đẳng là mối đe dọa lớn nhất, trong đó bất bình đẳng kinh tế đứng vị trí đầu tiên (64%).
Ngoài ra, quyền lực của big tech cũng là thách thức đáng kể. Khoảng một nửa số người trả lời (48%) nói quyền lực của các đại gia công nghệ là mối đe dọa cho nền dân chủ nước họ, trong đó Mỹ là nơi lo ngại nhất về sức mạnh của các hãng công nghệ khổng lồ (62%).
"Cuộc thăm dò này cho thấy nền dân chủ vẫn sống trong trái tim và khối óc con người. Giờ đây chúng ta cần thoát khỏi đại dịch COVID-19 bằng cách mang lại sự dân chủ và tự do nhiều hơn cho mọi người, những người muốn thấy đất nước mình trở nên dân chủ hơn" - ông Anders Fogh Rasmussen, chủ tịch Quỹ Liên minh dân chủ, cũng chính là cựu thủ tướng Đan Mạch và cựu tổng thư ký NATO, nói về kết quả khảo sát.
Theo Tuoitre.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận