Cẩn trọng với bẫy 'việc nhẹ, lương cao' trong dịch COVID-19
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người dân có xu hướng tìm việc làm online để kiếm thêm thu nhập. Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã tung ra nhiều thủ đoạn tinh vi, cam kết chỉ cần ngồi ở nhà kiếm tiền nhưng có mức lương vô cùng hấp dẫn.
- Cảnh báo chiêu mạo danh e-mail của các công ty uy tín trên thế giới để lừa đảo
- Cảnh báo tình trạng gọi điện mạo danh Công ty ty Điện lực thông báo nợ tiền điện và lừa đảo khách hàng dùng điện
- Cảnh giác với các tin nhắn mời chào kiếm tiền online có dấu hiệu lừa đảo
Hình minh họa: Nhiều chiêu trò, lừa đảo việc tìm làm thêm online trong dịch COVID-19.
Theo ghi nhận của PV, do quỹ thời gian khá rảnh trong mùa dịch COVID-19, nhiều người dân tại TP. Hà Nội đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm. Trên những diễn đàn, hội nhóm như "Việc làm Hà Nội", "Việc làm 4.0", "Việc làm online"... cũng liên tục đăng tin tuyển dụng nhân viên làm online tại nhà.
Liên tục quảng cáo, một nhân viên tuyển dụng tên Bảo Nguyên đã nhiệt tình tư vấn cho PV: “Không cần phải ra ngoài, đi đâu xa, anh chị có thể ngồi ở nhà soát lỗi chính tả theo các bài đăng mẫu với mức lương 10 triệu trong tháng”.
Tuy nhiên, để có thể hợp tác cùng với các “doanh nghiệp” này, bất kỳ ai đăng ký cũng phải chi trả một khoản tiền đặt cọc trước từ 300.000 - 500.000 đồng để nhận việc.
Tin vào lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn, có không ít các em học sinh, sinh viên, mẹ bỉm sữa… đã nhanh chóng chuyển tiền đặt cọc, với hi vọng sẽ tìm được việc làm ưng ý.
Là sinh viên vừa mới tốt nghiệp, em Hoàng Minh Anh (Hà Nội) đã không do dự, đóng luôn khoản cọc phí khi nhận việc với giá 350.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi đăng ký, chuyển khoản thì em Minh Anh không thể liên lạc với tài khoản đã tư vấn trước đó vì đã bị chặn.
Công việc đọc bài, sửa lỗi chính tả được rầm rộ quảng cáo tuyển dụng trên mạng xã hội.
Cũng từng dính “bẫy” ký chốt hợp đồng, chị Nguyễn Bảo Loan cũng được một nhân viên trên fanpage “Việc làm 4.0” tư vấn đầu tư tiền ảo siêu lợi nhuận. Mặc dù đã có nhiều bài viết cảnh báo, thế nhưng chị Loan vẫn được các đối tượng này thuyết phục loại hình đầu tư có phần mới mẻ này có lợi nhuận siêu cao, thu hút rất nhiều người quan tâm.
Chị Loan chia sẻ: “Ban đầu tôi được những người quảng cáo đưa ra các chính sách ưu đãi để người dùng được nhanh chóng gia tăng số tiền trong tài khoản. Để nhận được cơ hội làm giàu hiếm có, nhân viên này yêu cầu tôi phải đóng phí kích hoạt ban đầu.
Chi phí này giao động từ 100.000 - 200.000 đồng, hứa hẹn sẽ thu về khoảng 1.000 đô tiền ảo trên hệ thống. Nhưng sau khi tôi đã đóng phí đầy đủ xong thì nhân viên tư vấn hệ thống này cũng biến mất, không thể liên lạc được ”.
Đặc điểm chung của những việc làm online được hứa hẹn là có thu nhập “khủng” trong mùa dịch, những tư vấn viên đều yêu cầu người dùng nên chuyển khoản nhanh chóng để nhận việc. Nhưng sau khi hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu, đa số người tham gia đều bị chặn, không thể liên hệ với nhân viên đã gọi điện thoại để trao đổi, tư vấn trước đó.
Nhận định về tình hình này, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo người dân nên cẩn trọng để tránh mắc “bẫy”, mất tiền oan. Trước khi nhận làm bất cứ công việc gì, người dùng tìm hiểu kỹ thông tin, không vội vàng chuyển khoản để chốt hợp đồng.
Thông tin với báo chí, Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Các đối tượng lừa đảo việc làm trực tuyến thường dựa vào các lỗ hổng pháp lý để trục lợi, đưa ra nhiều hình thức lừa đảo tinh vi. Cụ thể, các thông tin tuyển dụng việc làm không được cơ quan chức năng kiểm soát hoặc người lao động không có hợp đồng lao động chính thức”.
Theo luật sư, lợi dụng tâm lý người dân thường ngại tố cáo lên các cơ quan chức năng khi giá trị lừa đảo ở mức nhỏ, như chỉ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, các đối tượng này đã và đang lộng hành trên mạng xã hội . Ngoài ra, một số trường hợp lừa đảo tuy đã bị xử lý nhưng mức xử phạt hành chính rất nhẹ, chỉ từ 1-2 triệu đồng, không đủ sức răn đe.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận