Sẽ xây dựng nền tảng số du lịch thống nhất trên toàn quốc
Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý Nhà nước. Nền tảng này hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.
- Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng
- 76% doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số
- An Giang tiến bước dài trong chương trình chuyển đổi số quốc gia
Dự kiến, cuối năm 2022, ứng dụng này sẽ đưa vào vận hành, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung.
“Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này, hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí”, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc, để có một nền tảng chung phát triển trong tương lai thì cần sự đóng góp dữ liệu từ người dùng.
Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được. Trên thực tế, thời gian qua, những tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, MobiFone, FPT,… cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục du lịch để thực hiện công tác chuyển đổi số tại các điểm du lịch, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch.
Trong khi đó, ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập Gotadi, đồng thời cũng là chủ doanh nghiệp du lịch cho biết, thực trạng công nghệ chuyển đổi số trong ngành du lịch Việt Nam cho thấy đang có rất nhiều tổ chức du lịch trực tuyến nước ngoài (OTA) với các ưu thế vượt trội về công nghệ do đã phát triển nhiều năm. Các ứng dụng này đang được nhiều đơn vị kinh doanh du lịch, nhất là các khách sạn, cơ sở lưu trú sử dụng. Ngoài lợi thế về vốn đầu tư, các đơn vị nước ngoài này không phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế như doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó doanh nghiệp du lịch Việt Nam lại phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, các chủ khách sạn Việt Nam phụ thuộc lớn vào OTA nước ngoài với mức phí lên tới 30 - 35%, thậm chí là 48%. Đó là điều vô cùng “đau đớn” với các chủ khách sạn Việt.
Lý giải nguyên nhân này, ông Ngô Minh Đức cho biết, thực tế công nghệ chúng ta chỉ mới chuyển đổi từ gia công sang sản phẩm khoảng 3 - 4 năm. Sản phẩm công nghệ của Việt Nam chưa được ứng dụng tốt. Do đó, để cạnh tranh phải xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển và sử dụng sản phẩm của người Việt.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận