Chung tay cải thiện các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực
Chương trình Gói dịch vụ thiết yếu xác định các dịch vụ thiết yếu bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, hành pháp và tư pháp dành cho phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trên cơ sở giới.
- Hàng loạt hành vi bị xem là bạo lực gia đình theo quy định mới
- Dữ liệu toàn diện sẽ giúp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận hiện thực bất bình đẳng về giới tính
Vừa qua, tại Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Chương trình chung Gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Gói dịch vụ thiết yếu là chương trình Chung toàn cầu giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Quang cảnh hội thảo.
Tại Việt Nam, chương trình có sự điều phối và tham gia chặt chẽ của 4 Cơ quan Liên hợp quốc – UN Women, UNFPA, WHO và UNODC cùng 6 bộ, ngành gồm Bộ LĐ-TB và XH, Bộ Y Tế, Bộ Tư Pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) đã từng chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Chương trình Gói dịch vụ thiết yếu xác định các dịch vụ thiết yếu bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, hành pháp và tư pháp dành cho phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trên cơ sở giới. Các bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác điều phối, quản trị và cung ứng các dịch vụ có chất lượng và cải thiện khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gái. Đây là chương trình có quy mô toàn cầu được hỗ trợ bởi chính phủ Australia và Tây Ban Nha.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan Liên hợp quốc, sự phối hợp tích cực, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thời gian qua, giúp chúng ta từng bước xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực ở Việt Nam. Đây cũng được xem là bước thử nghiệm thực tiễn để đúc rút kinh nghiệm cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật ở lĩnh vực này.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam cũng sẽ đầu tư nhiều hơn nữa nguồn lực cho các dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của tất cả phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Liên Hợp Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành và là đối tác tin cậy trong hành trình xóa bỏ mọi hình thức bạo lực như đã đề ra trong Chương trình nghị sự về các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cũng như khó khăn, thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu có nhạy cảm giới cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới, đồng thời cam kết chung tay tiếp tục nâng cao năng lực, cải thiện các dịch vụ trong thời gian tới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận