Tại nhà máy sản xuất của THACO group - Ảnh: T.B.DŨNG
Từ nghi ngại đến đơn hàng tới 2024
Sau một vòng tham quan các nhà máy tại THACO Chu Lai, nhóm đối tác từ Úc đã bày tỏ sự bất ngờ: "Chúng tôi rất ấn tượng về nơi này, THACO Industries tốt hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi đã từng nghĩ. Họ làm việc chuyên nghiệp như bất kỳ công ty nào khác tại Úc, từ các nhà xưởng cho đến văn phòng...".
"Ngay từ lần đầu bước vào THACO Industries, tôi đã nhận thấy sự chuyên nghiệp ở đây. Tất cả các nhân viên đều vui vẻ, chứng tỏ công ty bạn có môi trường và văn hóa làm việc rất tốt. Điều đó vô cùng quan trọng đối với một công ty, chứ không chỉ là máy móc thiết bị. Tôi nghĩ THACO Industries đạt tiêu chuẩn toàn cầu, chứ không phải chỉ ở Việt Nam" - trưởng nhóm đối tác Úc nói.
Ông Jim Fawkes - đại diện nhóm đối tác từ Úc - cho biết họ qua Chu Lai để tìm một đơn vị cung cấp các mặt hàng cơ khí. Vì vậy, một công ty "có mọi thứ" nằm ở Việt Nam như THACO Industries là điều mà những khách hàng như họ đang cố tìm kiếm. "THACO Industries có phương pháp sản xuất phù hợp, cũng như tinh gọn sản xuất" - ông Jim Fawkes nói.
Những bạn hàng từ Úc chỉ là một trong hàng chục đối tác thương mại toàn cầu mà THACO Industries hiện đang bắt tay hợp tác. Từ những nghi ngại ban đầu, nhiều đơn hàng đã được đặt. Các sản phẩm gia công cơ khí, sơmi rơmoóc và linh kiện phụ tùng của THACO Industries hiện nay đã chinh phục được không chỉ các đối tác ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản mà cả Mỹ, Úc, Canada...
Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng giám đốc THACO Industries - kể rằng năm 2020 nhóm tiếp cận được với đối tác tại Mỹ chuyên về cho thuê, phân phối sơmi rơmoóc. Trước khi biết THACO, đối tác này chuyên "đánh" thị trường Trung Quốc, nhưng mọi thứ thay đổi khi Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao với hàng Trung Quốc. Đối tác này mất lợi thế và muốn tìm kiếm thị trường ở Đông Nam Á.
Ngay khi tới THACO, đối tác Mỹ ấn tượng ngay và đề xuất họp thương thảo, gửi mẫu qua Mỹ để đánh giá. Mọi thứ khả quan hơn mong đợi. Cuối năm 2020, 33 sơmi rơmoóc từ cảng Chu Lai lên tàu biển qua Mỹ, các sản phẩm này ngay lập tức chiếm được tình cảm của khách hàng. Tháng 12-2021 đối tác Mỹ quyết định đặt lô sơmi rơmoóc đầu tiên hơn 5.000 sản phẩm.
"Hiện nay nguồn đơn hàng từ đối tác này kéo dài tới 2024, còn rất nhiều khó khăn trước mắt nhưng tiếp cận được thị trường khó tính như Mỹ là một thành công lớn" - ông Tâm nói.
Kết hợp công nghệ mới và chi phí nhân công rẻ
Khi tới tham quan và bắt tay hợp tác với THACO Industries, các đối tác đến từ nước ngoài đều cho rằng hiện nay vấn đề quyết định để tăng sức cạnh tranh khi ra thị trường toàn cầu là công nghệ. Theo nhóm đối tác từ Úc, các doanh nghiệp cơ khí nặng ở Việt Nam cần tiếp cận nhanh với sự chuyển dịch công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
"Cần cải tiến công nghệ mới nhất. Lấy ví dụ như ở THACO Industries chúng tôi thấy họ có máy móc thiết bị tốt", đại diện nhóm đối tác này nói và cho rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết cách kết hợp các công nghệ mới nhất với chi phí nhân công thấp thì lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn khi ra thị trường toàn cầu.
Ông Huỳnh Quang Nhung - phó tổng giám đốc THACO Industries - cho rằng hiện nay, xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng mới, đặc biệt là sản xuất cơ khí - công nghiệp nặng từ các nước phát triển sang ASEAN và Việt Nam đang tạo ra dư địa rất lớn cho các ngành này.
THACO Industries được nhiều đối tác đánh giá là đáp ứng điều kiện để cung cấp sản phẩm với quy mô lớn, chất lượng tốt. Ông Nhung cho rằng thị trường toàn cầu luôn thay đổi, doanh nghiệp phải đầu tư mạnh về công nghệ, đổi mới sáng tạo để thích ứng.
Theo ông Đỗ Minh Tâm, năng lực cạnh tranh là yêu cầu tiên quyết khi ra thị trường toàn cầu. Để có thể cạnh tranh được thì phải nâng cao năng lực sản xuất, trong đó việc đầu tư công nghệ lõi, áp dụng dây chuyền tự động sẽ đem lại lợi thế lớn.
"Ví dụ như máy cắt lazer, nếu như trước đây làm một sản phẩm phải trải qua nhiều khâu thủ công khác nhau thì nay chỉ cần lập trình để máy thao tác. Nhờ đó mà gia tăng được chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh. Đầu tư cho công nghệ thì vô cùng tốn kém, mỗi cỗ máy phải chi hàng chục tỉ đồng nhưng THACO Industries ưu tiên đầu tư trước" - ông Tâm nói.
Việt Nam trở thành công xưởng gia công cơ khí, được không?
Xuất khẩu thiết bị tại nhà máy Doosan Vina - Ảnh: D.S.
Theo các chuyên gia, có một số nhà đầu tư sang Việt Nam làm cơ khí chế tạo rất thành công, điển hình là Doosan Vina (Hàn Quốc). Đơn vị này đã sản xuất và xuất khẩu những thiết bị siêu trường siêu trọng, từ thiết bị khử mặn nước biển cho Saudi Arabia tới các modul cho Nhà máy lọc hóa dầu Sarawak Malaysia... Đây đang là cơ hội phát triển ngành này.
Có ba yếu tố cơ hội cho sự phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam: Thứ nhất là dịch chuyển đơn hàng do cuộc thương chiến Mỹ - Trung, nhiều tập đoàn bắt đầu dời nhà máy sang thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thứ hai là dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Thứ ba là xu hướng các nước tiên tiến đang giảm dần gia công cơ khí công nghiệp nặng để chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Với sự dịch chuyển trên, cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành cơ khí "phất" lên nếu vào được chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn. Bởi ngành cơ khí rất rộng, sản phẩm nông nghiệp, xây dựng, khoáng sản... đều có sản phẩm cơ khí.
Một lãnh đạo công ty về cơ khí khẳng định cơ hội lớn nhất hiện nay tiếp cận là công nghiệp nặng. Ông cho hay nhiều doanh nghiệp Phần Lan đang tích cực tìm nhà cung cấp, hệ thống thiết bị hạng nặng... ở châu Á, trong đó có Việt Nam. "Họ chủ động tới tìm doanh nghiệp sản xuất chứ không phải đi khảo sát. Các doanh nghiệp Phần Lan tin tưởng dây chuyền sản xuất, thiết bị ở Việt Nam" - vị này nói.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận