Doanh nghiệp chuyển đổi nhà máy thông minh được TP.HCM hỗ trợ vốn ưu đãi ra sao?
Mới đây, Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP.HCM khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp TP ngày càng xanh sạch và đạt hiệu quả cao.
Hình minh họa.
Thành phố đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đặc biệt là các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào công nghệ và nâng cấp nhà máy.
Theo bà Ngọc, thành phố đã có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại TP với mức vay tối đa 200 tỉ đồng/dự án.
Chính sách này là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm tiềm lực tài chính để chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, nhà máy xanh.
Chia sẻ sâu hơn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Sở Công Thương cho biết mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng/dự án.
Các dự án này thuộc các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa và thể thao do đơn vị sự nghiệp công lập TP làm chủ đầu tư, sẽ được hỗ trợ lãi suất 100% vốn đầu tư xây dựng công trình, công nghệ và thiết bị.
Đặc biệt, dự án về giáo dục mầm non và phổ thông được hỗ trợ lãi suất 100% tổng mức đầu tư của dự án.
Về mức lãi suất, đại diện Sở Công Thương cho hay doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại cộng thêm phí quản lý 2% một năm. Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án không quá 7 năm, kể từ ngày dự án được UBND TP phê duyệt hỗ trợ.
Nhà máy thông minh giúp doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn
Ông Jang Yoon Ho, giám đốc bộ phận hỗ trợ đối tác Samsung điện tử Việt Nam, cho biết nhà máy thông minh là phương tiện, công cụ để giúp nhà máy kiếm được nhiều tiền hơn. Bản chất của nhà máy thông minh là chi phí đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao.
Hiện tại Samsung đang triển khai các nhà máy thông minh tại Việt Nam cũng như hỗ trợ hơn 50 doanh nghiệp xây dựng các nhà máy thông minh.
Để được lựa chọn tham gia vào dự án nhà máy thông minh, ông Jang Yoon Ho cho hay các doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện, trong đó doanh nghiệp phải cải tiến, tối ưu quy trình để các dữ liệu sẽ được thu thập và xử lý theo thời gian thực.
Tại hội thảo "Giải pháp cho nhà máy thông minh" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 28-8, PGS.TS Thoại Nam (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định nhà máy thông minh hiện không chỉ là công cụ cạnh tranh, mà còn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Nhà máy thông minh giúp giảm chi phí sản xuất
Theo ông Nam, nhà máy thông minh là nhà máy tích hợp công nghệ vật lý và kỹ thuật số, tạo ra môi trường sản xuất thông minh, linh hoạt và hiệu quả cao.
Nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và dự đoán nhu cầu thị trường.
Ông Nam cho hay nhà máy thông minh là giải pháp hấp dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang tìm cách nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Tuy nhiên, để nâng số lượng các nhà máy thông minh, ông Nam cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được quan tâm hỗ trợ thông qua các chính sách phát triển nhà máy thông minh.
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho rằng chuyển đổi số hiện rất cấp thiết với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình quản lý sản xuất, giảm thiểu lãng phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Tống khẳng định công nghệ số sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp nâng tính sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng đơn hàng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng