Bộ Công an chỉ ra hàng loạt sai phạm đấu thầu thiết bị điện
Tập đoàn Tuấn Ân bị Bộ Công an phanh phui hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong các gói đấu thầu thiết bị điện tại EVN Bình Thuận.
- Bộ Công an đề xuất đổi giấy đăng ký xe sang thẻ nhựa có mã QR
- Bộ Công an bác tin đồn cấm xuất cảnh đối với lãnh đạo một Tập đoàn lớn
Nhóm cựu lãnh đạo Điện lực Bình Thuận bị cáo buộc thông thầu giúp Tập đoàn Tuấn Ân trúng thầu - Ảnh: Bộ CA. |
Dàn dựng “cuộc chơi”: Cài thầu, lộ thông tin, tạo thế độc quyền
Theo kết luận điều tra vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố, quá trình tổ chức đấu thầu thiết bị điện tại Công ty Điện lực Bình Thuận (trực thuộc EVN) đã để lộ nhiều lỗ hổng nghiêm trọng về tính công khai và minh bạch.
Các cán bộ phụ trách đấu thầu tại đơn vị này bị cáo buộc cố ý tiết lộ thông tin nội bộ, bao gồm hồ sơ đặc tính kỹ thuật, dự toán giá gói thầu cho Tập đoàn Tuấn Ân - một “ông lớn” trong lĩnh vực cung cấp thiết bị điện. Nhờ đó, doanh nghiệp này dễ dàng chuẩn bị hồ sơ dự thầu hợp lệ, vượt qua các đối thủ.
Không dừng lại ở đó, Tuấn Ân cùng cán bộ EVN Bình Thuận còn thỏa thuận cài cắm các yêu cầu kỹ thuật đặc thù vào hồ sơ mời thầu, khiến những đơn vị khác không thể đáp ứng điều kiện. Thủ thuật này tạo ra một sân chơi độc đạo, với mô hình “quân xanh – quân đỏ” bịp bợm, từ đó thao túng hoàn toàn quy trình đấu thầu.
Song sổ, lách thuế: “Làm xiếc” hàng trăm tỷ đồng bằng hóa đơn khống
Không chỉ thao túng đấu thầu, Tuấn Ân còn bị phát hiện thiết lập hai hệ thống sổ kế toán song song, nhằm che giấu lợi nhuận thực tế và trốn nghĩa vụ thuế.
Cụ thể, một hệ thống kế toán nội bộ được vận hành kín đáo, ghi nhận đầy đủ hoạt động thu - chi của doanh nghiệp. Trong khi đó, hệ thống sổ kế toán thuế chỉ ghi lại những giao dịch có chứng từ hợp lệ, làm “đẹp hồ sơ” để báo cáo với cơ quan thuế.
Qua kiểm tra, cơ quan điều tra xác định từ năm 2018 đến 2023, Tuấn Ân đã mua tới 1.163 hóa đơn khống từ 11 công ty khác nhau, qua đó “bốc hơi” 545 tỷ đồng doanh thu, trốn hơn 156 tỷ đồng tiền thuế.
Đây là một hành vi cực kỳ tinh vi và có hệ thống, không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bộ Công an kiến nghị siết chặt quản lý đấu thầu và giám sát thuế
Từ vụ án Tuấn Ân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kiến nghị gửi đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các bộ, ngành liên quan nhằm bịt các lỗ hổng trong công tác đấu thầu và giám sát thuế.
Với EVN, Bộ Công an yêu cầu:
Tăng cường giám sát quy trình tổ chức đấu thầu tại các công ty điện lực trực thuộc;
Rà soát, hoàn thiện quy định về hồ sơ mời thầu, đặc tính kỹ thuật và dự toán gói thầu;
Xem xét trách nhiệm các cá nhân, đơn vị vi phạm tại Điện lực Bình Thuận;
Xây dựng cơ chế luân chuyển cán bộ, đặc biệt là các vị trí nhạy cảm như giám đốc, trưởng phòng vật tư, tổ chuyên gia đấu thầu.
Với Bộ Tài chính, Bộ Công an kiến nghị chỉ đạo Cục Thuế tăng cường giám sát doanh nghiệp có rủi ro cao, đặc biệt là những trường hợp có dấu hiệu bất thường về doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Đồng thời, yêu cầu Chi cục Thuế khu vực II và XVII rà soát lại việc kiểm tra, thanh tra thuế tại Tuấn Ân và các công ty liên quan.
Bộ Công Thương cũng được đề nghị hoàn thiện quy định đấu thầu trong lĩnh vực điện lực, đặc biệt là các tiêu chí kỹ thuật và quy trình xét thầu.
Không chỉ Tuấn Ân: Hồi chuông cảnh báo trong ngành điện lực
Bộ Công an cho biết, ngoài các bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, còn một số cá nhân liên quan có hành vi vi phạm nhưng chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Với các trường hợp này, cơ quan điều tra đã gửi văn bản kiến nghị xử lý hành chính theo quy định.
Vụ án Tuấn Ân không chỉ là hồi chuông cảnh báo về tham nhũng trong đấu thầu thiết bị điện, mà còn phản ánh những lỗ hổng quản trị sâu rộng trong ngành điện lực – nơi dòng tiền đầu tư công đang chảy mạnh nhưng thiếu hệ thống giám sát chặt chẽ.
Trong bối cảnh hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đang được triển khai, việc siết kỷ cương trong đấu thầu và minh bạch tài chính là yêu cầu cấp thiết, không chỉ để bảo vệ ngân sách mà còn để gìn giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tập đoàn Tuấn Ân và các gói thầu trong hệ sinh thái EVN Tổng số gói thầu đã tham gia: 2.729 gói thầu Số lượng gói thầu trúng: 993 gói Tổng giá trị trúng thầu: 1.722 tỷ đồng Tỷ lệ trúng thầu với vai trò độc lập: 87,4% (tương đương hơn 1.505 tỷ đồng) Tập đoàn Tuấn Ân trúng thầu theo khu vực 1. Khu vực Hà Nội (EVNHANOI): Tuấn Ân Hà Nội đã tham gia hơn 600 gói thầu, với tỷ lệ trúng thầu trên 87%, tổng giá trị gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, khoảng hơn 250 gói thầu được thực hiện tại các công ty điện lực như: Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Xuân, Sơn Tây, Chương Mỹ, Đông Anh, Mỹ Đức... 2. Khu vực miền Bắc (EVNNPC): Tuấn Ân miền Bắc đã trúng ít nhất 242 gói thầu, với tổng giá trị hơn 1.182 tỷ đồng. Doanh nghiệp này là đối tác quen thuộc của các công ty điện lực tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, và nhiều tỉnh thành khác. 3. Khu vực TP.HCM (EVNHCMC): Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân đã trúng 56 gói thầu cung cấp thiết bị cho các đơn vị như: Điện lực Thủ Đức, Tân Thuận, Gò Vấp, Củ Chi, Tân Phú, Tân Bình, Chợ Lớn, Hóc Môn... Tổng giá trị các gói thầu này lên đến hàng chục tỷ đồng. |
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận