Tin giả - Loại virus internet nguy hiểm gấp nhiều lần sinh học
Đi kèm với virus sinh học trong đời sống đã gây khủng hoảng cho loài người thì trong môi trường ảo internet thì mức độ nguy hiểm của virus thông tin giả còn lớn hơn gấp nhiều lần khi môi trường công nghệ ngày nay đang khiến cho thông tin này lây lan nhanh chóng và tác động trực tiếp đến người dùng.
- Bầu cử Mỹ năm 2020 chịu ảnh hưởng rất lớn từ thông tin giả mạo ngập tràn Facebook
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ có luật xử lý tin giả trên mạng xã hội
- CMC Cyber Security: Ở Việt Nam, khả năng xuất hiện email, link tin giả về Corona cài mã độc là rất cao
Khởi nguồn từ một sáng kiến trong dự án Biên giới An toàn của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2004, Ngày An toàn Internet (Safer Internet Day) hiện đã vượt qua mọi biên giới địa lý và được kỷ niệm thường niên vào tháng 2 tại gần 150 nước trên toàn thế giới. Mỗi năm Ngày An toàn Internet lại hướng tới việc nâng cao nhận thức về các vấn đề trực tuyến.
Chủ đề của Ngày An toàn Internet 2020, được kỷ niệm ngày 11/2, là “Cùng nhau vì một mạng Internet tốt hơn”, tập trung khuyến khích sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm để tạo ra một môi trường Internet trong sạch, lành mạnh cho tương lai.
Chưa khi nào vấn đề an toàn Internet lại trở nên cấp thiết như ngày nay, khi mà công nghệ thông tin phát triển như vũ bão kết nối mọi ngõ ngách trên thế giới trong “thế giới ảo”.
Theo số liệu thống kê tính tới cuối năm 2019, số người sử dụng Internet toàn cầu đã vượt quá 4,5 tỷ người, tức khoảng 58,8% dân số thế giới. Internet đã được đưa vào các thiết bị gia dụng hằng ngày để tạo nền tảng cho một không gian sống thông minh, trở nên quyền lực, giá trị, phục vụ đắc lực và đem lại lợi ích to lớn cho con người, song cũng vì thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết.
Nếu trước đây, vấn đề an toàn Internet chủ yếu liên quan tới cộng đồng web đen hay đánh cắp dữ liệu cá nhân, thì vài năm nay, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc chính là mối đe dọa lớn nhất đối với an toàn Internet.
Ngay trong những ngày này, khi thế giới đang nỗ lực đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, với 1.018 ca tử vong và 43.104 ca lây nhiễm tính đến chiều 11/2/2020, thì sự lây lan của “virus số” - xu hướng tin giả trên mạng xã hội – lại có phần nguy hiểm hơn.
Tin đồn liên quan đến virus 2019-nCoV đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên khắp các nền tảng mạng xã hội, gây hoang mang, khiến người dân sợ hãi, cản trở công tác chống dịch, kích động làn sóng phân biệt chủng tộc, bài người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung…
Một video về người phụ nữ ăn súp dơi được chia sẻ trên mạng xã hội với khẳng định nó được quay tại thành phố Vũ Hán (Wuhan), hiện đang là tâm dịch tại Trung Quốc.
Trên thực tế, video này đã được quay vào năm 2016 tại Palau, một quần đảo ở phía Tây Thái Bình Dương để quảng bá cho một số món ăn địa phương trong khuôn khổ một chương trình du lịch.
Trong một video khác cũng được cho quay ở Vũ Hán, một phụ nữ mặc đồ bảo hộ y tế khẳng định virus đã biến thể và có thể lây nhiễm cùng lúc 14 người, mặc dù theo WHO số ca lây nhiễm từ một người mang virus chỉ là 1,4-2,5. Đặc biệt, những thông tin sai lệch về tốc độ lây lan, số người nhiễm và tử vong do virus thực sự gây rối loạn xã hội.
Hình ảnh người chết trên đường phố Vũ Hán với dòng thông tin “dịch đã vượt tầm kiểm soát, mỗi ngày giết chết hàng nghìn người” và con số 112.000 người chết được tung lên mạng từ cuối tháng 1/2020 trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với người dân toàn cầu.
Hàng loạt thông tin theo kiểu “thuyết âm mưu”, rằng “virus được chính phủ tạo ra để kiểm soát dân số”, là “vũ khí sinh học của Israel”, có thể “rò rỉ từ Viện nghiên cứu virus tại Vũ Hán”, do “quỹ nghiên cứu của tỷ phú Bill Gates (Bin Ghết) đầu tư tạo ra” nhằm thu hút thêm ngân sách phát triển một loại vaccine… cũng lan tràn trên Internet…
Thông tin giả một khi đã lên mạng xã hội thì sẽ nhanh chóng lan rộng, chẳng khác gì virus, dù có bị gỡ bỏ ở một nền tảng thì có thể dễ dàng chuyển sang mạng mới. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), tin giả có tỷ lệ được đăng lại cao hơn 70% so với các nội dung thật, trong khi các thông tin chính xác được chia sẻ chậm hơn 6 lần so với nội dung giả mạo.
“Virus” tin giả liên quan tới 2019-nCoV chỉ là ví dụ mới nhất về sức tàn phá của những thông tin độc hại trên mạng Internet. Riêng trong năm ngoái, các chuyên gia an ninh ước tính các chiến dịch tung tin giả đã diễn ra ở ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không chỉ làm tổn hại lợi ích của các cá nhân, tổ chức mà còn là lợi ích nhiều quốc gia và trật tự thế giới.
Tin giả, tin độc hại ngày càng trở nên nguy hiểm khi chúng được lan truyền có tổ chức, có chủ ý, bóp méo sự thật đến mức phi lý, góp phần kích động bạo lực, gây rối loạn xã hội, làm bất ổn kinh tế lẫn chế độ chính trị, thậm chí còn đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia, như trong những vụ tung tin giả gây bất ổn ở Indonesia, Venezuela, kích động chia rẽ sắc tộc ở Ấn Độ…
Ngoài vấn nạn tin giả, tin xấu độc thì nguy cơ tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu người dùng vẫn luôn là thách thức đối với an toàn Internet. Tháng 9/2019, thông tin từ một máy chủ chứa dữ liệu của hơn 419 triệu người dùng Facebook trên toàn thế giới đã bị rò rỉ trên mạng.
Bất kỳ ai cũng có thể truy cập dữ liệu của hơn 133 triệu người dùng Mỹ, 18 triệu người dùng Anh và 50 triệu người dùng Việt Nam mà không cần bất kỳ mật khẩu nào. Hồ sơ này bao gồm ID của người dùng và số điện thoại liên kết với tài khoản. Cách đó vài tháng, dữ liệu tài khoản cho 49 triệu người dùng Instagram, bao gồm những người có ảnh hưởng và tài khoản thương hiệu, cũng đã bị rò ri.
Trong khi đó, Capital One, ngân hàng thương mại lớn thứ bảy của Mỹ đã xác nhận vụ đánh cắp dữ liệu liên quan đến 100 triệu thẻ tín dụng, 140.000 số an sinh xã hội và 80.000 số tài khoản của khách hàng. Không chỉ có các doanh nghiệp, các trang mạng của cơ quan chính phủ cũng luôn là mục tiêu nhắm tới của tin tặc.
Năm ngoái, các hồ sơ cá nhân của hầu hết người dân Ecuador đã bị rò rỉ khiến kẻ gian có thể đánh cắp định danh và tài sản của người dân quốc gia Nam Mỹ này. Vụ rò rỉ này được coi là một trong những vi phạm dữ liệu lớn nhất trong lịch sử Ecuador.
Có thể thấy công nghệ càng phát triển thì sẽ càng có nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện những ý đồ xấu xa, đồng nghĩa với an toàn Internet cũng trở thành vấn đề lớn.
Mặc dù các nước, các tổ chức và các tập đoàn công nghệ đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường an toàn Internet, bao gồm cả chống vấn nạn tin giả, tăng cường tính bảo mật, bên cạnh việc xử lý nghiêm những hành vi sai phạm,…, nhưng sự lan truyền chóng mặt của “virus” tin giả về dịch 2019-nCoV hiện nay, hay những vụ đánh cắp dữ liệu thông tin người dùng Internet vẫn tiếp diễn với quy mô và mức độ tinh vi tăng cao, cho thấy "cuộc chiến" để bảo đảm an toàn trên không gian mạng vẫn còn cam go.
Một mạng Internet tốt hơn đồng nghĩa với một “không gian ảo” hoạt động an toàn, lành mạnh và tin cậy hơn. Những mối đe dọa thực tế trên "thế giới ảo" hiện nay đòi hỏi những biện pháp đồng bộ và kiên quyết hơn nữa, và đặc biệt là trách nhiệm của toàn xã hội, từ chính quyền và các công ty công nghệ trong việc ngăn chặn và kiểm soát, đến người dùng trong việc sàng lọc và chia sẻ thông tin, để Internet thực sự là một môi trường an toàn cho tất cả mọi người.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận