Hàn Quốc cung cấp dữ liệu điểm bán khẩu trang bằng kỹ thuật số
Để hạn chế hiện tượng khan hiếm hàng hoá phòng dịch COVID-19 đặc biệt là các loại khẩu trang tại Hàn Quốc, các nhà chức trách nước này đã ứng dụng kỹ thuật số vào việc cung cấp mặt hàng này bằng thời gian thực để đảm bảo minh bạch hoá thông tin tại các điểm bán lẻ do chính phủ chỉ định.
- Cách đeo khẩu trang y tế đúng giúp phòng, tránh virus Corona
- Khuôn mặt đeo khẩu trang vì COVID-19 sẽ không làm khó được công nghệ mới
- Mũ chống virus Corona cháy hàng ở Hàn, khẩu trang in mặt người gây sốt xứ Trung
Nhiều nhà cung cấp Hàn Quốc ngày 10/3 đã ra mắt các dịch vụ kỹ thuật số cung cấp thông tin theo thời gian thực về sự sẵn có của khẩu trang đang được bán tại các cửa hàng, trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực đáp ứng nguồn cung về mặt hàng khan hiếm này khi virus SARS-CoV-2 hoành hành.
Theo Cơ quan Thông tin xã hội quốc gia của Hàn Quốc, 10 nhà phát triển ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến đã bắt đầu cung cấp thông tin về kho dự trữ khẩu trang tại các điểm bán lẻ do chính phủ chỉ định.
Các điểm bán lẻ khẩu trang được cung cấp bằng kỹ thuật số với thời gian thực.
Một giao diện lập trình ứng dụng (API) mở đã được đưa vào hoạt động từ tối 10/3, theo đó các nhà cung cấp có thể tạo ra nhiều ứng dụng trên các thiết bị di động cũng như trên các trang web trực tuyến, hiển thị vị trí của các địa điểm bán lẻ khẩu trang được chính phủ cấp phép (như nhà thuốc hoặc bưu điện...) cũng như số lượng khẩu trang sẵn có tại những địa điểm này, để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc mua sắm.
Những ứng dụng trên sẽ hiển thị trữ lượng khẩu trang với 4 màu khác nhau. Các điểm bán có gắn thẻ xanh là những nơi đang sẵn 100 khẩu trang trở lên, trong khi màu vàng có nghĩa là có ít hơn 100 khẩu trang. Các địa điểm gắn thẻ màu đỏ là những nơi có ít hơn 30 khẩu trang, trong khi màu xám có nghĩa là khẩu trang đã được bán hết.
Các nhà cung cấp dịch vụ trang web hàng đầu của Hàn Quốc như Naver và Kakao, cũng sẽ cung cấp thông tin về lượng khẩu trang dự trữ thông qua các bản đồ mang tính tương tác.
Trước đó, người dân Hàn Quốc đã phải chờ đợi trong nhiều giờ để có thể mua khẩu trang thông qua các kênh bán hàng công cộng, buộc Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra các quy định mới.
Bên cạnh việc lên chỉ định các điểm bán khẩu trang, Chính phủ Hàn Quốc cũng hạn chế số lượng khẩu trang được bán ra, theo đó mỗi tuần, một công dân chỉ có thể mua hai khẩu trang và vào những ngày nhất định - tùy thuộc vào số cuối cùng trong năm sinh của họ.
Trong nỗ lực mới đây của Chính phủ, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 11/3 đã nêu bật yêu cầu cấp bách để quyết liệt đối phó với các cú sốc kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, trong bối cảnh Quốc hội nước này bắt đầu xem xét dự luật ngân sách bổ sung.
Trong cuộc họp Ủy ban đặc biệt của Quốc hội về đánh giá ngân sách, Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh: "Điều khẩn cấp hơn bao giờ hết là phải giảm các cú sốc (từ COVID-19) đối với sinh kế của người dân và nền kinh tế, đồng thời tích cực đối phó với các rủi ro bất lợi về kinh tế".
Ông Chung Sye-kyun khẳng định "thời gian là rất quan trọng trong (việc thực hiện) ngân sách bổ sung", đồng thời kêu gọi hợp tác lưỡng đảng trong việc nhanh chóng xem xét đề xuất này.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Hàn Quốc được đưa ra trước Quốc hội, trong bối cảnh có những quan ngại rằng sự bùng phát dịch COVID-19 có thể sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế nước này.
Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki thông báo đã chuẩn bị một dự thảo ngân sách bổ sung trị giá hơn 10.000 tỷ won (8,37 tỷ USD) nhằm giúp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Dự thảo này sau đó được trình lên Quốc hội vào ngày 5/3.
Chính phủ Hàn Quốc đã tung ra nhiều biện pháp khẩn cấp trị giá tới 20.000 tỷ won nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19. Cùng với gói ngân sách bổ sung nói trên, mức chi ngân sách để đối phó với COVID-19 sẽ tăng lên tới 30.000 tỷ won.
Bộ trưởng Hong Nam-ki cho biết gói ngân sách bổ sung lần này sẽ lớn hơn so với mức 6.200 tỷ won trong gói ngân sách bổ sung năm 2015 nhằm đối phó với dịch MERS.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận