Giá dầu "gượng dậy" sau cú sốc lịch sử ở mức âm
Thời điểm ngày hôm qua khi rơi xuống vùng giá âm đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giá dầu hôm nay đã có những bước chạy đà tăng trở lại khi quay về mức 13 USD mỗi thùng tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia thì giá vàng đen này vẫn tiếp tục biến động theo hướng tiêu cực do ảnh hưởng của COVID-19.
- Giá dầu châu Á bật tăng trở lại từ vùng giá âm
- Kịch bản nào cho giá dầu thế giới trước tác động của COVID-19
- Nên hiểu thế nào về giá dầu âm lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại
Sau khi có thời điểm rơi xuống mức thê thảm nhất trong lịch sử (-40,32 USD/thùng) trong ngày hôm trước, giá dầu thô WTI của Mỹ đã tăng trở lại trong ngày 21/4 (theo giờ Mỹ) lên mức hơn 13 USD/thùng.
Nhân viên điều chỉnh bảng giá tại một trạm xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 21/4.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 6/2020 đã tăng 18,93% lên mức 13,76 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao cùng thời điểm cũng tăng 0,98% sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua, 19,33 USD/thùng và dừng ở mức 19,52.
Giới phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do các biện pháp phong tỏa của nhiều nước trên thế giới làm gia tăng lo ngại về khả năng dự trữ dầu quá tải, khiến giá dầu sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng tiêu cực.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích và giao dịch dầu mỏ, mấu chốt không dẫn tới sự sụp đổ của giá dầu Brent là do loại dầu này có phương thức giao dịch khác với dầu WTI.
Sự đổ vỡ của giá dầu WTI diễn ra trên khía cạnh kỹ thuật, khi các nhà đầu cơ “bán tháo” hợp đồng dầu giao tháng 5/2020 vốn có thời điểm đáo hạn vào ngày 21/4. Người mua hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu đã đặt hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và nhận hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ đã tới giới hạn, chi phí lưu trữ dầu mỏ quá cao, đồng thời nhu cầu tiêu thụ trên thế giới liên tiếp sụt giảm mạnh, việc các nhà đầu cơ dầu mỏ chọn giải pháp “sẵn sàng mất tiền” để cắt lỗ tối đa và và tránh phải nhận số dầu thực tế đã mua là điều có thể hiểu được.
Trong khi đó, các hợp đồng dầu Brent giao tháng 6/2020 có thời điểm đáo hạn vào ngày 30/4. Dù được dự báo cũng sẽ đối mặt với những biến động rất mạnh về giá, đặc biệt là càng gần đến thời điểm hợp đồng đáo hạn, song giá dầu Brent không rơi vào tình cảnh “dở khóc” như dầu WTI.
Cách ly xã hội phòng chống dịch COVID-19 đang khiến cho nhu cầu về dầu giảm mạnh.
Theo giới chuyên gia, có hai lý do để đưa ra nhận định này. Thứ nhất là thời điểm đáo hạn và các yêu cầu giao nhận hàng của hai loại hợp đồng dầu mỏ này là khác nhau. Thứ hai, trong khi các hợp đồng kỳ hạn dầu Brent được tham chiếu bằng tiền mặt, thì các hợp đồng dầu WTI kỳ hạn được giải quyết bằng lượng dầu thực tế.
Như vậy, có sự khác biệt về bản chất giao dịch giữa hai loại hợp đồng kỳ hạn này. Việc giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt giúp dầu Brent tránh được nguy cơ rơi vào ngưỡng “giá âm” dù có sụt giảm mạnh. Vì vậy, trong phiên giao dịch ngày 20/4 giá dầu Brent kỳ hạn vẫn được giao dịch quanh ngưỡng 25 USD/thùng.
Sang đầu phiên 21/4, giá dầu Brent kỳ hạn có lúc để mất ngưỡng 19 USD/thùng (còn 18,1 USD/thùng), song sau đó phục hồi nhẹ lên 19,33 USD/thùng vào cuối phiên.
Nhà phân tích dầu mỏ Louise Dickson tại Rystad Energy nhận định: “Nếu quan sát mức giá dầu Brent giao ngay trên thị trường Biển Bắc, được giao dịch trong khoảng 15-18 USD/thùng, thì sự sụp đổ của dầu WTI kỳ hạn tháng 5/2020 thực tế không phải là cú sốc lớn”.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận