Facebook cũng tham gia "tuyên chiến" pháp lý với Apple
Do không thoả thuận được với Apple về vấn đề cắt giảm mức phí cho ứng dụng dịch vụ phát trực tiếp, Facebook đã đệ đơn kiện lên toà án vì những áp đặt của "táo khuyết" trong áp dụng chính sách với các sự kiện trực tuyến.
- Apple và Intel khởi kiện 'chống độc quyền' công ty của Softbank
- Amazon kiện Bộ Quốc phòng Mỹ vì hợp đồng 10 tỷ USD rơi vào tay Microsoft
- Google giành ưu thế trong cuộc chiến pháp lý với Pháp
Theo đó, Facebook đã "góp mặt" trong cuộc chiến pháp lý nhằm vào Apple, sau khi nhà sản xuất iPhone từ chối cắt giảm mức phí giao dịch 30% đối với các sự kiện trực tuyến được truyền trực tiếp trên mạng xã hội cho phép người dùng xoay xở mưu sinh trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.
Nhằm ứng phó với thực tế rằng đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều cuộc họp mặt trực tiếp trên toàn cầu buộc phải hủy bỏ, Facebook đã cho ra mắt tính năng sự kiện trả phí.
Mức phí 30% cho các sự kiện trực tiếp đang là vướng mắc giữa Facebook và Apple khiến hai bên phải đưa nhau ra toà.
Tính năng này cho phép người dùng sử dụng dịch vụ phát trực tiếp trên Facebook (Facebook Live) để kiến tạo, quảng bá và tổ chức các sự kiện trả phí như các buổi hòa nhạc, biểu diễn sân khấu, hay các lớp dạy yoga và nấu ăn...
Facebook khẳng định sẽ không thu bất kỳ khoản phí nào từ các sự kiện trực tuyến có trả phí nêu trên. Tuy nhiên, Apple đã từ chối cắt giảm mức phí đối với những giao dịch được xử lý thông qua App Store.
Tuyên bố ngày 14/8, Phó Chủ tịch Facebook Fidji Simo cho biết: "Chúng tôi đã yêu cầu Apple giảm 30% thuế trên App Store hoặc cho phép chúng tôi triển khai Facebook Pay để qua đó chúng tôi có thể chịu mọi chi phí cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thời kỳ COVID-19".
"Thật không may, họ đã bác bỏ cả hai yêu cầu trên, và theo đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chỉ nhận được 70% khoản doanh thu mà họ khó khăn lắm mới kiếm được” vị Phó Chủ tịch này thông tin thêm.
Theo Phó Chủ tịch Fidji Simo, Facebook cũng đang thử nghiệm ứng dụng tính năng chat video nhóm trên Messenger dành cho "các cuộc họp đông người hơn”.
Ông Simo cho biết: “Trong bối cảnh các quy định về giãn cách xã hội vẫn đang được áp dụng, nhiều doanh nghiệp và nhà tổ chức đang đưa các sự kiện và dịch vụ của họ lên mạng trực tuyến nhằm kết nối với khách hàng vốn có và tiếp cận những khách hàng mới”.
Quyết định trên của Facebook được đưa ra vào thời điểm Apple đang siết chặt các chính sách đối với thị trường trực tuyến của mình. Apple đã bảo vệ khoản phí giao dịch 30%, nhấn mạnh rằng khoản tiền này nhằm trang trải chi phí quản lý kho ứng dụng App Store và bảo vệ an ninh của người dùng, tuy nhiên nhiều dư luận lại cho rằng "Trái táo cắn dở" đang lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường trực tuyến.
Trước Facebook, ngày 13/8, hãng phát triển trò chơi điện tử Epic Games của Mỹ cũng đã đệ đơn kiện tập đoàn công nghệ Apple sau khi "Trái táo cắn dở" và Google xóa trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite khỏi kho ứng dụng của họ với lý do vi phạm các nguyên tắc thanh toán tích hợp trong ứng dụng của 2 hãng.
Công ty Epic đã đệ đơn kiện Apple lên tòa án liên bang khu vực Bắc California để yêu cầu hãng này chấm dứt "hành vi phản cạnh tranh" cũng như quy định yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng trả 30% phí giao dịch khi thực hiện trên kho ứng dụng App Store.
Trong đơn kiện, phía Epic cho rằng: "Apple đang trở thành thực thể mà họ từng chỉ trích: "Đế chế tìm cách kiểm soát các thị trường, ngăn chặn sự cạnh tranh và dập tắt sự đổi mới. Apple đang lớn mạnh hơn, cực đoan hơn và nguy hiểm hơn những công ty độc quyền trước đây".
Bên cạnh đó, Epic cũng phát động một chiến dịch trên mạng xã hội với hashtag #FreeFortnite, kêu gọi các game thủ đòi Apple hoàn tiền nếu họ không truy cập được vào game này, đồng thời tạo một video ngắn nhái lại clip quảng cáo huyền thoại của Apple vào năm 1984 để thách thức đế chế công nghệ này.
Động thái trên được đưa ra sau khi Apple xóa Fortnite khỏi cửa hàng ứng dụng của mình do Epic vi phạm nguyên tắc thanh toán trong ứng dụng của hãng.
Cụ thể, Epic đã triển khai hệ thống thanh toán mới thông qua máy chủ của công ty, cho phép game thủ mua hàng trực tiếp trong Fortnite, nhằm "qua mặt" hệ thống mua hàng trong ứng dụng của Apple để không phải trả mức phí 30%.
Trong một tuyên bố, đại diện Apple nhấn mạnh: "Việc Epic thúc đẩy một cơ chế đặc biệt nhờ những lợi ích kinh doanh của công ty sẽ không thay đổi được thực tế rằng những nguyên tắc thanh toán này tạo sân chơi công bằng cho tất cả các nhà phát triển và giúp kho ứng dụng an toàn hơn cho tất cả người dùng".
Epic cũng có hành động vi phạm tương tự trên hệ thống thanh toán trong ứng dụng của Google. Tuy nhiên, người phát ngôn Google Dan Jackson cho biết hãng hoan nghênh cơ hội tiếp tục thảo luận với Epic để đưa Fortnite trở lại kho ứng dụng Google Play.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận