Học sinh dùng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập
Từ 11 loại sổ sách, giáo viên sẽ chỉ còn bắt buộc có 4 loại. Học sinh được dùng điện thoại trong lớp học. Đây là điểm mới được quy định trong thông tư 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học.
- Bộ GD&ĐT: Giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp
- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đề thi sẽ không còn đánh đố học sinh như những năm trước
Giáo viên cho điểm học sinh trong giờ học trực tuyến ở Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội. Ảnh: Vĩnh Hà
Theo điều lệ vừa được lãnh đạo Bộ GD&ĐT phê duyệt, hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục nhà trường sẽ còn 14 loại đối với nhà trường, 2 loại với tổ chuyên môn và 4 sổ sách của giáo viên.
Giáo viên hiện chỉ quy định sổ ghi kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học), kế hoạch bài dạy (giáo án), sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm).
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đức Quế - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-DT) - thì các loại hồ sơ, sổ sách này có thể áp dụng dạng điện tử thay thế hồ sơ, sổ sách bằng giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên, đảm bảo tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
"Việc quản lý hồ sơ điện tử do sở GD&ĐT quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ GD&ĐT và thực hiện theo quy định của pháp luật" - ông Quế cho biết.
Theo ông Quế, tới đây thay vào việc giáo viên cho điểm vào sổ bộ môn (sổ con) rồi lại nhập điểm vào sổ điểm chung, ghi học bạ học sinh, giáo viên chỉ cập nhật vào sổ điểm điện tử, giảm bớt nhiều thời gian, công sức của giáo viên, giúp giáo viên tập trung năng lượng cho hoạt động chuyên môn.
Trao đổi thêm về việc này, ông Sái Công Hồng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin sâu hơn vào việc quản lý hoạt động giáo dục giúp giáo viên thuận lợi khi cập nhật thông tin, kết quả đánh giá học sinh thường xuyên và định kỳ, không bỏ sót quá trình tiến bộ của từng học sinh.
Tại hội nghị triển khai năm học mới ở bậc trung học, nhiều ý kiến của các sở GD&ĐT ủng hộ hướng áp dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, nhưng bày tỏ nhiều băn khoăn cần được giải đáp.
Ông Nguyễn Văn Tuế cho rằng khi đã áp dụng hồ sơ điện tử thì nên có quy định thống nhất từ Bộ GD&ĐT và nêu vấn đề "Nếu quy định hồ sơ điện tử nhưng cuối năm vẫn phải in ra, như thế thì không ổn. Vậy Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn rõ loại hồ sơ sổ sách nào cần in, loại nào không".
"Trường hợp học sinh chuyển trường nhưng nơi đi sử dụng học bạ điện tử thì nơi đến có chấp nhận không" - một ý kiến đặt ra và cho rằng Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn kỹ.
Một số trưởng phòng trung học của các sở GD&ĐT cũng cho rằng sẽ có rắc rối nếu không quy định kỹ vì ngay khi dùng học bạ giấy mà mẫu khác nhau giữa các địa phương cũng khiến phụ huynh khó khăn khi chuyển trường cho con.
Ông Sái Công Hồng cho biết khi đã có quy định hồ sơ điện tử có tính pháp lý như hồ sơ giấy thì không có chuyện các trường không chấp nhận học bạ điện tử khi có học sinh chuyển trường.
Tuy nhiên theo lãnh đạo Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT), sẽ có hướng dẫn cụ thể nội dung trên vào thời gian tới để áp dụng từ năm học này. Khi đã thực hiện ổn định sẽ áp dụng thống nhất trong các nhà trường trên toàn quốc.
Liên quan tới các điểm mới trong điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông nhiều cấp học, ông Sái Công Hồng cho biết: "Học trò được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên".
Điều chỉnh mới này xuất phát từ thực tế có các tình huống học sinh cần sử dụng những tính năng của điện thoại thông minh vào việc thực hiện yêu cầu học tập, tìm kiếm tài liệu tham khảo ngay trong thời gian diễn ra giờ học.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận