Y tế phối hợp công nghệ là chìa khóa để Việt Nam vượt qua đại dịch
Thông điệp này vừa được đại diện Việt Nam khẳng định tại hội nghị quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng công nghệ để đối phó với Covid-19.
- Y tế số 4.0 tạo hệ thống xuyên suốt từ trung ương đến địa phương phòng chống COVID-19
- Bệnh án điện tử - Bước đột phá trong số hoá ngành Y tế
- TP HCM vận hành y tế thông minh hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Công nghệ số sẽ giúp cải thiện quy trình hoạt động của chính phủ. Dù ở bất kỳ quốc gia nào, các quy định đều không thể thay đổi nhanh tương ứng với sự thay đổi của công nghệ.
Tuy vậy, làm sao để công nghệ không bị khống chế bởi “cái áo” quá chật? Làm sao để các quy định đủ thông thoáng cho sự phát triển? Đây là thách thức mà chính phủ nhiều nước trên thế giới đang phải tìm ra lời giải đáp.
Hội nghị trực tuyến Mạng lưới thực hành quy định tốt ASEAN OECD lần thứ 6. Ảnh: Trọng Đạt
Mới đây, kinh nghiệm để giải quyết vấn đề này đã được nhiều đại biểu quốc tế chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Mạng lưới thực hành quy định tốt ASEAN OECD lần thứ 6.
Hội nghị lần này của OECD được tổ chức với chủ đề “Sử dụng công nghệ số để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn”. Tại đây, nhiều quốc gia đã chia sẻ những sáng kiến, cách làm của riêng đất nước mình để sử dụng công nghệ nhằm đối phó với đại dịch.
Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ để đối phó Covid-19
Theo bà Wan Fazlin Nadia Wan Osman - Giám đốc chương trình Nâng cao năng suất làm việc và Năng lực cạnh tranh (Tập đoàn Năng suất Malaysia), do ảnh hưởng của Covid-19 nhiều ngành nghề kinh tế tại quốc gia này đã bị ảnh hưởng nặng nề. Có tới 82% doanh nghiệp Malaysia bị giảm doanh thu do tác động của đại dịch.
Để đối phó với thách thức này, chính phủ Malaysia đã đưa ra 2 nhóm giải pháp gồm tài khóa và phi tài khóa. Trong đó, với nhóm giải pháp phi tài khóa, Malaysia hướng đến mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi quy định và các gánh nặng thủ tục hành chính, từ đó tiết giảm chi phí, tạo thêm việc làm và thúc đẩy nền kinh tế.
\
Giám đốc chương trình Nâng cao năng suất làm việc và Năng lực cạnh tranh (Tập đoàn Năng suất Malaysia) chia sẻ cách nước này áp dụng công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh: Trọng Đạt
Điều này được thực hiện bằng cách đưa vào hoạt động Cổng thông tin tham vấn trực tiếp UPC (Unified Publuc Consultation Portal). Đây là nơi các doanh nghiệp có thể tìm đến để đưa ra những yêu cầu cần tham vấn khi cần thiết.
Sau khi tiếp nhận các thắc mắc này, chính phủ Malaysia sẽ xác minh và thu thập ý kiến từ các bên liên quan để hiểu rõ vấn đề từ các góc nhìn khác nhau, sau đó đưa ra đề xuất giải quyết. Các doanh nghiệp thậm chí có thể hiểu vấn đề mình thắc mắc mặc nhiên được chấp nhận nếu sau 28 ngày họ không nhận được ý kiến phản hồi.
Vị Giám đốc chương trình Nâng cao năng suất làm việc và Năng lực cạnh tranh (Tập đoàn Năng suất Malaysia) cho rằng, việc đưa vào hoạt động Cổng thông tin tham vấn trực tiếp UPC là cách mà chính phủ nước này đã áp dụng công nghệ để từng bước vượt qua đại dịch.
Tại Phần Lan, chính phủ nước này lại có cách làm khác trong việc ứng dụng CNTT bằng cách số hóa việc thực thi các quy định.
Theo đó, Phần Lan đã phát triển các cổng thông tin dành cho hoạt động cấp phép và giám sát các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác nhau đã được chính phủ nước này đưa lên môi trường online, trong đó có học online (e-learning), thi điện tử (e-exams) hay giám soát hoạt động khai mỏ từ xa bằng cách sử dụng drones,...
Mỗi quốc gia lại có một cách làm riêng trong việc ứng dụng công nghệ để vượt qua đại dịch. Ảnh: Trọng Đạt
Theo bà Minna Paivinen - Giám đốc Nghiên cứu Phát triển Cơ quan An toàn và Hóa học (Phần Lan), Phần Lan còn triển khai hệ thống Kiểm tra điện tử (E-inspections) và Chứng nhận điện tử (E-accreditations) để xác nhận các địa điểm an toàn trong đại dịch Covid-19.
Để làm được tất cả điều này, bà Minna Paivinen cho rằng, bí quyết là phải có các nguyên tắc quản trị tốt, lòng tin của người dân và xã hội được số hóa ở mức cao độ.
Với một nước khác là Indonesia, việc ứng dụng công nghệ trong đại dịch chỉ đơn giản là đưa ra chính sách đấu thầu các khoản chi tiêu công bằng một website catalog điện tử.
Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thế nào trong đại dịch?
Chia sẻ với các đại biểu quốc tế, ông Nguyễn Thế Trung - Chuyên gia về Chính phủ số (Văn phòng Chính phủ) cho biết, kỳ tích chống dịch của Việt Nam được hình thành nhờ sự chủ động và phản ứng nhanh của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cũng đã có đóng góp rất lớn trong cuộc chiến phòng chống đại dịch.
Ông Nguyễn Thế Trung - Chuyên gia về Chính phủ số (Văn phòng Chính phủ). Ảnh: Trọng Đạt
Theo ông Trung, Việt Nam đã ứng dụng CNTT rất sâu để ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Bằng chứng là chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, Việt Nam đã phát triển được rất nhiều website và ứng dụng phục vụ công tác phòng chống Covid-19.
Các sản phẩm công nghệ tiêu biểu có thể kể tới như Bluezone - ứng dụng truy vết người nghi nhiễm Covid-19, ứng dụng khai báo sức khỏe NCOVI, ứng dụng khai báo y tế điện tử Vietnam Health Declaration, cùng với đó là các website cung cấp thông tin nhanh chóng về tình hình dịch bệnh.
Ông Trung cho biết, các sản phẩm công nghệ này đều được thực hiện bởi các công ty công nghệ Việt Nam, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ Y tế. Thực tế cho thấy, các ứng dụng này đều đã phát huy hiệu quả nhất định trong quá trình phòng dịch.
Ứng dụng Bluezone là một trong những giải pháp công nghệ hiệu quả của Việt Nam nhằm ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19
Bên cạnh đó, vị chuyên gia về Chính phủ số này còn nhấn mạnh vào việc ra quyết định dựa trên bằng chứng và phân tích dữ liệu của chính phủ Việt Nam.
Theo ông Trung, rất nhiều quyết định phòng dịch đã được Việt Nam đưa ra dựa trên bằng chứng và dữ liệu phân tích về rủi ro, mức độ lây nhiễm, dự báo khả năng lây nhiễm cũng như thống kê về các kết quả xét nghiệm.
Đây là những minh chứng cụ thể và sinh động cho thấy Việt Nam đã ứng dụng CNTT rất tốt trong công tác phòng chống đại dịch. Điều này chỉ có thể thực hiện được dựa trên năng lực, khả năng nhận thức tình huống và sự chủ động của chính phủ.
Theo ICTnews
https://ictnews .vietnamnet. vn/cuoc-song-so/chinh-phu-so/cong-nghe-la-chia-khoa-de-viet-nam-vuot-qua-dai-dich-covid-19-266033.html
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận