TP HCM vận hành y tế thông minh hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Mục tiêu quan trọng nhất của ngành y tế là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh các bệnh viện phải tự chủ tài chính thì yếu tố dịch vụ cũng rất quan trọng. Ý thức được điều này, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM đã có những bước “chuyển mình” khi sử dụng công nghệ để xây dựng y tế thông minh làm hài lòng người bệnh.
- TP HCM tiên phong trong xây dựng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thông minh
- Thành phố thông minh còn nhiều vướng mắc phải vượt qua sau 2 năm thí điểm tại TP HCM
- TP HCM sẽ ngày càng thông minh hơn trong phục vụ người dân
Ứng dụng công nghệ để y tế thông minh làm hài lòng người bệnh
Thay vì đưa con đến bệnh viện từ sáng sớm để chờ tới lượt khám, chị Chu Thị Lệ Hằng (35 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) sử dụng phần mềm đăng ký khám bệnh online của Bệnh viện Nhi đồng 1. Chỉ sau vài thao tác đơn giản, chị đã thành công đăng ký và đặt lịch hẹn với bác sĩ Khoa Hô hấp của Bệnh viện này vào lúc 10 giờ. Lúc 9 giờ 45 phút, chị Hằng đưa con đến Bệnh viện và khoảng 10 giờ được bác sĩ gọi vào khám, không cần chờ đợi lâu.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM kiểm soát ổ dịch bệnh sốt xuất xuất trên hệ thống WebGIS.
“Trước đây tôi phải đưa con đi từ 6 giờ sáng để xếp hàng bốc số, có khi phải chờ đến 3-4 tiếng đồng hồ mới tới lượt khám. Trong khi đó, trẻ con bị bệnh thường quấy khóc liên tục khiến cả trẻ lẫn phụ huynh đều mệt mỏi. Nay chỉ cần hẹn giờ và đến trước khoảng 15 phút thôi là có thể được khám rồi”, chị Chu Thị Lê Hằng chia sẻ.
Đây là một trong những tiện ích mới mà Bệnh viện Nhi đồng 1 đưa vào áp dụng nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân khi tới khám bệnh. Ngoài đăng ký khám bệnh, phần mềm này còn hỗ trợ người dân thanh toán chi phí khám bệnh online. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, phương tiện này giúp người bệnh lưu giữ, quản lý và theo dõi toàn bộ thông tin về lịch sử khám, chữa bệnh của mình tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thông qua mã số hồ sơ có sẵn trên hệ thống cũng như tích hợp tính năng nhắc lịch tái khám.
Tương tự, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM dù lúc nào cũng đông bệnh nhân, nhưng gần đây mỗi người dân khi đến khám đều không phải chờ đợi quá lâu. Tất cả nhờ vào nỗ lực “điện tử hóa” ở khâu khám bệnh của Bệnh viện này. Đó là phần mềm UMC-DatKham giúp người bệnh tự đăng ký và tạo hồ sơ khám bệnh dễ dàng bằng điện thoại di động. Ứng dụng này cho phép người dùng có thể tạo hồ sơ khám bệnh, đặt lịch khám, chọn bác sĩ, theo dõi bệnh án và quản lý lịch tái khám ngay tại nhà mà không cần đến bệnh viện xếp hàng lấy số chờ đợi mệt mỏi. Không chỉ mang lại tiện ích cho bệnh nhân, ứng dụng này còn giúp bệnh viện quản lý bệnh án, thời gian khám chữa bệnh, lịch hẹn và cung cấp thông tin bệnh nhân cho các bác sĩ một cách đầy đủ nhất.
Bác sỹ Bệnh viện Gia An 115 TP HCM sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID chẩn đoán, điều trị đột quỵ.
Cùng với điện tử hóa ở khâu đăng ký khám bệnh và các tiện ích cho bệnh nhân, việc triển khai bệnh án điện tử để tạo thuận lợi hơn cho bệnh nhân lẫn nhân viên y tế là xu hướng nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đang hướng tới. Trong đó, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện quận Thủ Đức đã thực hiện từ 10 năm nay, còn Bệnh viện Đại học Y Dược triển khai trong 3 năm qua.
Với bệnh án điện tử, quá trình khám chữa bệnh được tối giản một cách tối đa: Không còn cần sổ khám bệnh, không cần in kết quả chụp X-quang, chụp CT, không cần đi lấy thông tin từ phòng này sang phòng khác… Chính những mô hình này là cơ sở để Bộ Y tế triển khai đề án Bệnh án điện tử trên quy mô toàn quốc từ nay đến năm 2030.
TP HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử của riêng mình. Hiện Sở Y tế đã xây dựng Đề án hồ sơ sức khỏe điện tử trình UBND thành phố và sẽ triển khai giai đoạn 1 tại 24 trạm y tế điểm trong năm 2019. Trong mỗi hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ ưu tiên phục vụ công tác quản lý bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch...
Ngày càng hoàn thiện y tế thông minh
Sau khi khám bệnh xong, anh Lưu Tấn Nghiệp (ngụ tại Quận 5, TP HCM) được nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM hướng dẫn thanh toán viện phí trên điện thoại di động. “Chỉ cần một phút với vài thao tác trên điện thoại, tôi đã thanh toán xong tất cả chi phí khám bệnh, thuốc men, mà không cần phải xếp sổ chờ đợi lâu như trước đây”, anh Lưu Tấn Nghiệp hồ hởi chia sẻ sau khi được hướng dẫn thanh toán online.
Với việc liên kết cùng 15 ngân hàng, người dân khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược có thể sử dụng dịch vụ thanh toán bằng Mobile Banking (QR Code). Tiến sĩ Thái Hoài Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược thành phố cho biết, để thực hiện thanh toán bằng phương thức này, người dân chỉ cần quét mã QR trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện. Tổng thời gian thanh toán và phản hồi kết quả “chỉ trong chớp mắt”. Lợi ích của dịch vụ này là người bệnh đã có thể thanh toán trực tuyến, mà không cần phải xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản hóa thủ tục, không cần mang theo tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả.
Phẫu thuật thần kinh bằng hệ thống rô-bốt Modus V Synaptive tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM.
Ngoài Bệnh viện Đại học Y dược, một số bệnh viện như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ… cũng đã thực hiện phương thức thanh toán này và nhận được sự hài lòng của người bệnh.
Không chỉ các bệnh viện tìm lối đi tăng sự hài lòng của người bệnh bằng việc áp dụng ứng dụng thông minh, mới đây Sở Y tế TP HCM cũng bắt đầu triển khai ứng dụng “Tra cứu khám, chữa bệnh” cài đặt trên điện thoại di động, nhằm giúp người dân thuận lợi hơn khi cần tra cứu nơi khám, chữa bệnh.
Đây là lần đầu tiên Sở Y tế TP HCM có kênh thông tin chính thống trực tiếp và chủ động đến tận người dân qua tin nhắn trên điện thoại di động. Là thành phố có hơn 6.000 cơ sở khám chữa bệnh với nhiều chuyên khoa và loại hình hoạt động khác nhau, việc chọn lựa cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với bệnh lý, triệu chứng và những nhu cầu khác là không dễ dàng.
Theo Bác sĩ Tăng Chí Thượng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, cùng với kho dữ liệu sẵn có về cơ sở khám chữa bệnh của thành phố, Sở Y tế thành phố đã có ý tưởng xây dựng một ứng dụng đơn giản trên điện thoại thông minh để giúp người dân tra cứu nơi khám chữa bệnh thuận lợi và dễ dàng hơn. Chỉ cần cài đặt ứng dụng này trên điện thoại thông minh, người sử dụng nhập từ khóa tìm kiếm có thể là dấu hiệu, triệu chứng hoặc bệnh lý như đau răng, nhức đầu, đau vai gáy… thì ứng dụng sẽ cho danh sách các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tương ứng những dấu hiệu, triệu chứng hoặc bệnh lý mà người dân đang cần.
Hệ thống bản đồ WebGIS được ứng dụng trong quản lý bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, khi chọn một cơ sở khám chữa bệnh trên trang kết quả, ứng dụng sẽ cung cấp thông tin chi tiết của cơ sở đó như thời gian làm việc, thời gian chờ khám trung bình, các loại hình khám bảo hiểm y tế, khám dịch vụ, giá khám, điện thoại liên hệ… Đặc biệt, trên ứng dụng này còn tích hợp thông báo dưới dạng tin nhắn của Sở Y tế về kết quả thanh, kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh, thông báo về dịch bệnh, tiêm chủng…
Những ứng dụng, công nghệ được triển khai trong lĩnh vực y tế đã phần nào giúp người dân thuận tiện hơn khi tới khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của thành phố. Các giải pháp công nghệ này vẫn đang được ngành y tế tiếp tục phát triển và hoàn thiện để làm hài lòng bệnh nhân.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận