Khám chữa bệnh từ xa sẽ triệt tiêu khoảng cách giữa các tuyến y tế
Với việc ứng dụng sự phát triển của công nghệ vào ngành y tế theo Quyết định 2628 sẽ triệt tiêu khoảng cách về chuyên môn giữa các tuyến khám chữa bệnh.
- Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng thẻ khám bệnh "2 trong 1"
- Khám chữa bệnh từ xa - Mang bác sĩ tuyến trung ương về với tuyến huyện
- Khó khăn và thuận lợi khi triển khai nền tảng Telehealth - khám chữa bệnh từ xa
Theo GS. TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa đã được ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6 với 2 mục tiêu căn bản, là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện, được hỗ trợ chuyên môn liên tục và khi cần thiết; mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Khám chữa bệnh từ xa sẽ là hoạt động thường ngày tại bệnh viện.
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được thực hiện với kỳ vọng tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Việc khám, chữa bệnh từ xa không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh…
Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới thì hiện nay sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để đảm bảo hiệu ứng tốt hơn.
Theo đó, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới nhưng tất cả bệnh viện tuyến dưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi để học tập, nâng cao chuyên môn. Thông qua đây, người dân cũng được tiếp cận với các bác sỹ.
Bên cạnh đó, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của của bác sỹ tuyến trên và bác sỹ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2.
Tức là 1 bác sỹ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sỹ tuyến tỉnh, 4 bác sỹ tuyến huyện và 2 bác sỹ tuyến xã. Trong đó, bác sỹ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.
Theo GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử tập trung vào thay đổi phương thức chi trả dịch vụ y tế và vấn để sử dụng công nghệ trong y tế. Khám chữa bệnh từ xa sẽ là một dịch vụ y tế của bệnh viện và là hoạt động thường ngày tại bệnh viện. GS. TS. Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các bác sỹ giỏi của các bệnh viện nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tuyến dưới.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - đơn vị được giao đầu mối hướng dẫn triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa và Hồ sơ sức khỏe điện tử, cho biết, đây là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn mà tất cả các bộ, ngành đều tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Sau 2 tháng triển khai thí điểm Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thu được nhiều kết quả khả quan như: đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh; giảm quá tải, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên- tuyến dưới; tăng cường năng lực chuyên môn tuyến dưới và kết nối mạng lưới các bệnh viện.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân.
Bệnh viện khám chữa bệnh từ xa 2 buổi/tuần, đến nay đã có 34 bệnh viện kết nối với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 89 bệnh viện đề xuất tham gia hội chẩn. Bệnh viện đã hội chẩn được 144 cuộc, để xuất chuyển viện 28 ca và có 8 ca chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tại buổi họp, đại điện của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cũng trình bày các kết quả trong hội chẩn chuyên môn và đào tạo từ xa. Các đại biểu cũng thảo luận về những khó khăn và những nhiệm vụ cần được triển khai để hơn 1.000 bệnh viện sẽ tham gia vào Đề án Khám, chữa bệnh từ xa nhanh nhất.
GS. TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phổi hợp để quản lý, thống nhất hồ sơ sức khỏe điện tử. Trước mắt, hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được áp dụng đối với việc khám, chữa bệnh ngoại trú.
GS. TS. Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng hướng dẫn triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, Hồ sơ sức khỏe điện tử; thực hiện vai trò điều phối trong quản lý công tác khám, chữa bệnh từ xa. Vụ Bảo hiểm y tế cần xây dựng bản hướng dẫn thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa; Vụ Kế hoạch tài chính cần hướng dẫn về việc sử dụng kinh phí để hoạt động, duy trì công tác khám, chữa bệnh từ xa và hồ sơ sức khỏe điện tử…
Dự kiến, đến đầu tháng 9/2020, toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh sẽ tham gia Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận