Tổng Giám đốc WHO: Sẽ là sai lầm khi coi Omicron là biến thể nhẹ
Đó là khẳng định của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/1 trước những diễn biến của biến thể này trên toàn thế giới.
- Chỉ vừa xuất hiện, biến chủng Omicron đã làm chao đảo cả thế giới
- Biến thể omicron có thể là 'tàn tích' cuối cùng mà dịch COVID-19 gây ra với nhân loại
- CDC Mỹ: Xét nghiệm kháng nguyên có thể bỏ qua các trường hợp nhiễm biến thể Omicron
Người đứng đầu WHO nêu rõ: "Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn so với Delta, đặc biệt ở những người đã được tiêm chủng, nhưng điều đó không có nghĩa biến thể này nên được phân loại là nhẹ".
Ông nhấn mạnh đến con số kỷ lục người nhiễm biến thể này cũng như việc Omicron trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước, thay thế biến thể Delta.
Ông cho rằng diễn biến này đồng nghĩa với việc các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân COVID-19. Ông Tedros ví sự lây lan của biến thể Omicron như "sóng thần" vừa nhanh và mạnh, có thể "nhấn chìm" hệ thống y tế trên thế giới.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus: Biến thể Omicron sẽ là gánh nặng cho hệ thống y tế thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, trong tuần qua số ca mắc mới trên toàn cầu đã tăng 71% so với tuần trước đó và đây là mức tăng kỷ lục. Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định đây chưa phải con số thực tế do còn nhiều xét nghiệm tồn đọng sau dịp lễ Giáng sinh và Năm mới, hay các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống giám sát quá tải.
Trong những phát biểu đầu tiên của Năm mới 2022, ông Tedros kêu gọi thế giới chia sẻ vaccine công bằng hơn trong năm 2022 để chấm dứt "cái chết và sự hủy diệt" do COVID-19.
Người đứng đầu WHO từng đặt mục tiêu từng quốc gia có 10% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021 và 40% vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, 92 trong số 194 quốc gia thành viên WHO đã bỏ lỡ mục tiêu, thậm chí 36 quốc gia trong số đó không đạt mục tiêu 10% đầu tiên với lý do phần lớn là không thể tiếp cận vaccine.
Ông mong muốn 70% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng vào giữa năm nay, song với tốc độ triển khai hiện nay, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu. Ông khẳng định sự bất bình đẳng vaccine là yếu tố khiến nhiều người tử vong và làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho rằng "rất khó xảy ra" khả năng Omicron là biến thể sau cùng đáng lo ngại trước khi đại dịch kết thúc. Bà kêu gọi mọi người tăng cường các biện pháp bảo vệ bản thân.
Đánh giá về diễn biến dịch bệnh trong năm nay, ông Bruce Aylward, người đứng đầu WHO về tiếp cận công cụ chống COVID-19, cho rằng thế giới không nên để đại dịch kéo dài qua năm sau.
Trong khi đó, ông Michael Ryan, Giám đốc xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh nếu không đảm bảo phân phối vaccine công bằng, tình hình dịch bệnh đến cuối năm 2022 sẽ không thay đổi và đó thực sự sẽ là bi kịch lớn.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận