Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng
Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm, việc được áp dụng chuyển đổi số (eKYC) đã khiến số lượng mở mới tài khoản cá nhân của các ngân hàng tăng mạnh. Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng cũng nóng hơn bao giờ hết.
- "Ngành ngân hàng sẽ có sứ mạng đi đầu về chuyển đổi số"
- "Nóng" cuộc đua cán đích Basel II của hệ thống ngân hàng Việt Nam
Triển khai eKYC giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đến quầy giao dịch - Ảnh: M.T.
Ông Trần Quốc Anh, giám đốc khối khách hàng cá nhân HDBank, cho biết từ khi triển khai phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC) trên app HDBank, lượng khách hàng đăng ký mới tăng 30% mỗi tháng.
Số lượng tài khoản mở mới tăng vọt
eKYC là phương thức định danh trực tuyến, được HDBank triển khai từ đầu tháng 8-2020 nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng giao dịch online khi dịch COVID-19 tái bùng phát.
Theo đó, khách hàng sẽ có ngay tài khoản iMoney trên app HDBank thông qua vài thao tác đơn giản, nhanh chóng với số lượng thông tin cần nhập tối thiểu.
Ứng dụng sẽ tự nhận dạng các thông tin và hình ảnh của khách hàng trên giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hạn) so với hình chụp khuôn mặt để hoàn tất thủ tục định danh trực tuyến trên app HDBank.
Sau khi hoàn tất các bước trong khoảng 2 phút, khách hàng có thể thực hiện giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng như thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn... theo nhu cầu.
"Thống kê cho thấy 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC. Điều này cho thấy eKYC đã góp phần dẫn dắt người dùng chuyển đổi thói quen từ giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sang giao dịch trực tuyến nhằm hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp", ông Trần Quốc Anh cho biết.
Không chỉ HDBank mà ngay những ngân hàng trong nhóm đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thí điểm áp dụng định danh điện tử (eKYC) như VPBank, Viet Capital Bank, TPBank đều cho biết có những chuyển biến tích cực, thể hiện việc sau khi định danh bằng eKYC đã đáp ứng đúng nhu cầu cấp thiết về sự tiện lợi, nhanh chóng của khách hàng, đây cũng là phương thức dễ tiếp cận cả về phía ngân hàng lẫn khách hàng.
Dự kiến sắp tới sẽ có ít nhất 3 ngân hàng nữa được thí điểm áp dụng eKYC là NamABank, SeABank và MSB.
Người dùng, ngân hàng đều hưởng lợi
Theo các ngân hàng, áp dụng eKYC đem lại hàng loạt lợi ích cho khách hàng và ngân hàng khi vẫn tăng được số lượng khách nhưng không cần phải đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh, phía khách hàng sẽ không cần phải đến ngân hàng nhưng vẫn có thể mở được tài khoản.
Theo ông Trần Quốc Anh, eKYC là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong chiến lược kinh doanh lâu dài của HDBank. Ngân hàng cũng kỳ vọng doanh thu tăng trưởng mạnh thông qua các hoạt động giao dịch thanh toán trên app.
"Bước đầu eKYC giúp HDBank thiết lập mối quan hệ với khách hàng, đồng thời khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ thanh toán nhanh chóng, tiện lợi và là tiền đề cho các dịch vụ tài chính khác trong tương lai. Đó cũng là cấu phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của HDBank nhằm hướng tới xã hội không tiền mặt theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ", ông Quốc Anh nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số ngân hàng cho hay cuộc cạnh tranh đến hồi gay gắt hơn khi có nhiều ngân hàng tham gia cuộc chơi. Khách hàng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn. Có thể nói, đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức để buộc các ngân hàng phải cải tiến chất lượng dịch vụ.
Vẫn cần mở thêm nút thắt
Theo các ngân hàng, cơ hội rất lớn khi triển khai eKYC nhưng đang giai đoạn thí điểm, kiểu "vừa làm vừa sửa" nên các ngân hàng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Trao đổi với chúng tôi, các ngân hàng cho biết việc chưa có quy định rõ ràng về eKYC là một trong những khó khăn hiện nay. Ngoài ra, một số ngân hàng đã áp dụng hình thức eKYC trong việc mở tài khoản thanh toán… và phát hành thẻ như là một xu thế. Do vậy, các ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể cho các ngân hàng và cho phép tư duy mới trong lĩnh vực này để các ngân hàng chủ động trong việc dùng eKYC và đảm bảo trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Bên cạnh đó, rủi ro lớn nhất của việc triển khai eKYC đối với ngân hàng và khách hàng là hiểu biết về eKYC cũng như bảo vệ thông tin cá nhân còn thấp, nên dễ bị rò rỉ thông qua việc chia sẻ khi tham gia các hoạt động trên các môi trường online. Đối với ngân hàng, các giao dịch bị gian lận từ việc bị rò rỉ thông tin có thể ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng mặc dù về mặt kỹ thuật, các ngân hàng cũng đã chủ động phòng ngừa khá tốt.
Thời gian qua, các ngân hàng đã gia tăng nhận thức bằng các tuyên truyền và hỗ trợ liên tục thông qua nhiều kênh. Song song đó là cải tiến hệ thống an ninh, bảo mật nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng và khách hàng.
Ông Trần Quốc Anh cho biết HDBank đã hợp tác với đối tác cung cấp giải pháp eKYC uy tín, công nghệ đảm bảo được các tình huống rủi ro có thể phát sinh cũng như hệ thống dữ liệu khách hàng lớn để kiểm tra thông tin. Nguồn khách hàng trong hệ sinh thái như chuỗi Vietjet, HDBank, HDSaison... rất lớn, lên đến hàng chục triệu khách hàng và chất lượng dữ liệu rất tốt sẽ hỗ trợ phục vụ eKYC mang lại hiệu quả cao.
Theo đại diện các ngân hàng, vẫn còn có những vấn đề cần phải khắc phục để hoàn thiện tối đa phục vụ khách hàng như các sản phẩm, dịch vụ trên tài khoản eKYC còn chưa phong phú bằng tài khoản truyền thống mà chủ yếu tập trung vào các dịch vụ thanh toán hoặc gửi tiết kiệm, hoặc các ngân hàng còn đưa ra hạn mức giao dịch trong ngày... nên giao dịch qua kênh này chưa cao.
Với hoạt động cho vay - một trong những trụ cột doanh thu của ngân hàng, đến nay các ngân hàng vẫn chưa thể triển khai eKYC đối với các hoạt động vay vốn do quy định hiện nay, người vay vẫn phải tuân thủ quy định về chứng từ và chữ ký trên hồ sơ vay vốn. Do vậy các ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm cho phép các ngân hàng áp dụng eKYC cho sản phẩm vay online để làm phong phú hơn các sản phẩm, dịch vụ trên tài khoản eKYC.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận