Còn nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí
Chuyển đổi số nếu thực hiện thành công sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với độc giả. Tuy nhiên, đây là một quá trình mới và khó. Vì vậy cần hoàn thiện khung pháp lý để loại bỏ các rào cản.
- VUSTA - Hội tụ trí thức góp phần xây dựng đất nước trong thời đại công nghệ
- VUSTA: Tăng cường công tác quản lý với cơ quan báo chí của các đơn vị chủ quản trực thuộc
Đó là quan điểm thống nhất được các đại biểu đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện - Xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức ngày 14/10, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Công Lương, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung thảo luận những vấn đề về chuyển đổi số báo chí và truyền thông đa phương tiện, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu cho các cơ quan báo chí hiện nay, góp phần tạo ra những tác phẩm có giá trị, thu hút đông đảo bạn đọc.
Ông Lê Công Lương - Phó tổng thư ký kiếm Trưởng ban KH,CN&MT, LHHVN phát biểu khai mạc.
Theo ông Phạm Bích San (Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Đại học Thăng Long) để phát triển được mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện, báo chí cần tới một số điều kiện. Đó là, đầu tư cho chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện là cao. Do vậy, cần có sự ổn định về thương hiệu và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí; thứ hai, tốc độ của truyền thông số, truyền thông đa phương tiện rất nhanh, do đó những luận điểm đưa ra trong nhiều trường hợp chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, sự tương tác, sức mạnh của truyền thông số, có thể có những kết quả bất định. Do vậy, cần phải có khung pháp lý rõ ràng để truyền thông số và đa phương tiện có thể hoạt động được trong những điều kiện biến động như vậy. Đặc biệt, cần có một hệ thống tư pháp hiệu quả theo tiêu chuẩn hiện đại.
Cuối cùng, ông Phạm Bích San cho rằng, cần có các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực truyền thông số và đa phương tiện khá là đa dạng về tính cách và chuyên môn hóa cao. Để sử dụng họ những quy định hiện hành trong việc bổ nhiệm cán bộ đang là những rào cản cho việc tận dụng hết sức mạnh của truyền thông số và đa phương tiện.
Ông Vũ Xuân Bân, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.
Toàn cảnh hội thảo.
Còn theo nhà báo Đặng Đình Chấn (Tạp chí Việt Nam hội nhập), để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí rất quan trọng. Không chỉ là tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử ,cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.
Đánh giá về báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trong xu hướng chuyển đổi số, bà Trần Thị Giang, Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay, cho biết hiện nay, số lượng cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam có giấy phép xuất bản chính thức báo, tạp chí điện tử còn ít (chỉ khoảng 50%), hầu hết là các tạp chí chuyên ngành tự chủ tài chính, tiềm lực hạn chế… Vì vậy, cần lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (bạn đọc trung thành). “Chuyển đổi số phải dựa vào công nghệ nhưng giữ được giá trị cốt lõi của tờ báo, tạp chí (tăng trưởng theo chiều sâu) mới là chuyển đổi số thành công”, bà Giang nhìn nhận.
Còn ông Phạm Bích San (Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Đại học Thăng Long) nhìn nhận, cơ hội phát triển của báo chí Liên hiệp hội Việt Nam là rất lớn khi có chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện, nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Chuyển đổi là một quá trình hài hòa cân đối nhiều yếu tố. Nếu cố tình đột phá thật nhanh không tính tới đủ những yếu tố liên đới thì quá trình chyển đổi có thể còn chậm hơn là tiến hành mọi sự một cách hài hòa. Do vậy, để chuyển đổi thành công và nhanh cần tính tới những yếu tố cần tác động tới thay vì chỉ kêu gọi đơn thuần cần chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận