Mỹ dẫn đầu thế giới trong phát triển AI nhờ vào hiệu quả của các nghiên cứu
Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Đổi mới và CNTT cho biết, trên cơ sở đánh giá theo 30 chỉ tiêu cho thấy Mỹ dù có số báo cáo ít nhất nhưng lại có chất lượng trung bình cao hơn các quốc gia và vùng lãnh thổ nghiên cứu AI trên thế giới.
Theo đó, Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc đua phát triển và ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong khi Trung Quốc đang vươn lên nhanh chóng trong lĩnh vực này, còn Liên minh châu Âu (EU) thì đang tụt hậu. Kết luận trên được Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin đưa ra trong báo cáo ngày 25/1.
Nghiên cứu của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin đánh giá về ứng dụng AI theo 30 chỉ số riêng biệt, trong đó bao gồm tài năng con người, hoạt động nghiên cứu, phát triển thương mại và đầu tư trong cả phần cứng và phần mềm, dựa trên những dữ liệu tổng hợp trong năm 2020. Trên thang điểm 100, Mỹ dẫn đầu với 44,6 điểm, tiếp đó là Trung Quốc với 32 điểm và Liên minh châu Âu với 23,3 điểm.
Dù số lượng báo cáo nghiên cứu và phát triển của Mỹ về AI không cao nhưng hiệu quả được đánh giá tốt.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy Mỹ dẫn đầu trong các lĩnh vực chính như đầu tư vào khởi nghiệp và tài trợ nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong một số lĩnh vực và năm ngoái đã phát triển thành công 214 siêu máy tính trong số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Số siêu máy tính ra đời tại Mỹ trong năm 2020 là 113 chiếc và tại EU là 91 chiếc.
Tác giả chính của báo cáo - ông Daniel Castro, Giám đốc bộ phận tư vấn chiến lược thuộc Trung tâm Đổi mới Dữ liệu, cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đã đặt AI làm ưu tiên hàng đầu và các kết quả đã thể hiện rõ điều này. Mỹ và EU cần lưu tâm hơn đến những gì Trung Quốc đang thực hiện và có phản ứng phù hợp, bởi các quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển và sử dụng AI sẽ định hình tương lai và cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, trong khi những nước tụt hậu lại có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp trọng điểm".
Theo quỹ trên, EU đã thụt lùi đáng kể trong vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân. Trong năm 2018, EU chỉ xuất bản 20.418 báo cáo nghiên cứu về AI, trong khi con số này của Trung Quốc là 24.929 và của Mỹ là 16.233 báo cáo. Tuy nhiên, các nghiên cứu của Mỹ "có chất lượng trung bình cao hơn" các nghiên cứu của Trung Quốc và EU.
Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin cũng kết luận rằng Mỹ "vẫn là nước đứng đầu thế giới về thiết kế chip cho hệ thống AI". Theo báo cáo, để duy trì tính cạnh tranh, các nước châu Âu cần tăng cường khuyến khích nghiên cứu và mở rộng các viện nghiên cứu công cộng trong lĩnh vực AI.
Đối với Mỹ, nếu muốn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu, nước này phải tăng cường hỗ trợ cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng AI, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực phát triển tài năng AI trong nước, cũng như thu hút những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận