Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo các số liệu được ghi nhận tại châu Âu cho thấy đang có xu hướng giảm trong cả số ca nhiễm mới và tử vong tuy số lượng giảm không lớn những cũng đang được các chuyên gia đánh giá là những tín hiệu tích cực trong thời điểm này.
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: GM cung cấp 30 nghìn máy trợ thở cho Mỹ
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Thế giới đón những tín hiệu tích cực từ Hàn Quốc
- Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Cập nhật tình hình dịch COVID-19, theo số liệu thống kê cập nhật tới 22h00 ngày 9/4 trên trang mạng worldometer.info, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.539.118 người, với 89.998 ca tử vong và 340.586 ca phục hồi.
Qua các số liệu này cho thấy những dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại hai tâm dịch lớn ở châu Âu là Tây Ban Nha và Italy.
Cập nhật tình hình dịch COVID-19: Châu Âu bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Trong ngày 9/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong ghi nhận trong vòng 24 giờ qua ở nước này là 683 ca, giảm so với 757 ca được ghi nhận trong ngày trước đó.
Như vậy, đến nay, nước này xác nhận tổng cộng 15.283 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày tại Tây Ban Nha cũng giảm nhẹ, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 tại đây hiện là 152.446 ca.
Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố đang dần kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết những số liệu mới nhất "rất đáng khích lệ" và tình hình dịch bệnh tại nước này chuẩn bị bước vào giai đoạn thuyên giảm.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 9/4 tuyên bố Italy có thể bắt đầu nới lỏng dần một số biện pháp hạn chế hiện đang được áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19 trước cuối tháng 4 nếu sự lây lan dịch bệnh tiếp tục chậm lại.
Italy hiện ghi nhận 139.422 ca mắc COVID-19 với 17.669 ca tử vong. Riêng trong ngày 8/4, nước này có 542 ca tử vong - thấp hơn so với mức 604 một ngày trước đó. Ngoài ra, có 3.693 bệnh nhân đang được điều trị tích cực, giảm từ mức 3.792 trong ngày 7/4 - ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận các số liệu giảm dần.
Trong khi đó, ngày 8/4 trở thành ngày có nhiều ca tử vong nhất tại vùng tâm dịch của nước Mỹ, khi bang New York ghi nhận có thêm 779 người tử vong - nhiều hơn 48 ca so với ngày trước đó.
Trong cuộc họp báo trực tuyến cập nhật tình hình dịch COVID-19, Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết tuy số người tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, song số người nhập viện đã cho thấy mức độ lây lan của đại dịch có chút giảm tại New York.
Ông cũng bày tỏ lạc quan nếu tỷ lệ nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của tiểu bang sẽ vận hành ổn định trong khoảng 2 tuần tới.
Tổng số người tử vong tại tiểu bang New York tính đến ngày 8/4 lên tới 6.298 người khiến Thống đốc Cuomo phải yêu cầu toàn tiểu bang để cờ rủ. Hiện Mỹ đã ghi nhận 435.941 ca nhiễm, trong đó 14.865 ca tử vong, 9.281 bệnh nhân đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lệnh tình trạng khẩn cấp tiếp tục được kéo dài tại một số quốc gia Quốc đảo Solomon tuyên bố kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 4 tháng, tới ngày 25/7.
Thủ tướng Manasseh Sogavare cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp này sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn và đảo quốc này hiện đang ở giai đoạn 1, trong đó bao gồm một lệnh giới nghiêm cuối tuần trên toàn thủ đô Honiara.
Tổng thống Peru Martin Vizcarra cũng đã gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm hai tuần - đến ngày 26/4 - sau khi số bệnh nhân ở nước này tăng lên 4.342 người và 121 ca tử vong.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông nhấn mạnh người dân không nên mất cảnh giác, lơ là các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo duy trì những thành quả mà Peru đã đạt được trong giai đoạn khó khăn nhất. Việc gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ bao gồm cả lệnh cách ly trên toàn quốc.
Honduras cũng sẽ kéo dài lệnh giới nghiêm toàn quốc tới ngày 19/4. Hiện quốc gia Trung Mỹ này đã ghi nhận 343 ca nhiễm và 23 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục trong ngày 8/4 đã ghi nhận thêm 63 ca nhiễm mới, trong đó có 61 ca từ nước ngoài, và thêm hai ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc.
Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục tính đến ngày 8/4 là 81.865 ca, trong đó có 1.160 người vẫn đang được điều trị, 77.370 người đã xuất viện và 3.335 người tử vong do COVID-19. Hiện vẫn còn 73 người bị nghi nhiễm virus SARS-COV-2, 12.510 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân đang được theo dõi.
Trong khi đó, tính đến ngày 8/4, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận tổng cộng 960 ca nhiễm và 4 ca tử vong do COVID-19, khu hành chính Macau đã ghi nhận 45 ca nhiễm và Đài Loan (Trung Quốc) có 379 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Số người xuất viện sau khi phục hồi tại Hong Kong, Macau, Đài Loan lần lượt là 246 người, 10 người và 67 người.
Hàn Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày thứ 4 liên tiếp ở mức trên dưới 50 ca với tỷ lệ khỏi bệnh trên 65%. Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h (giờ địa phương) ngày 9/4, với 39 ca mới được phát hiện, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.423 người. Số ca tử vong đã tăng 4 ca lên 204, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.
Ngoài ra, có 197 trường hợp đã phục hồi và xuất viện, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 6.973 người. Hiện vẫn còn hơn 30 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.
Bộ Y tế Iran thông báo nước này đã ghi nhận thêm 117 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong do đại dịch lên 4.110 ca. Nước này cũng xác nhận thêm 1.634 người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh ở Iran lên 66.220 người.
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei khuyến cáo người dân nước này cầu nguyện tại nhà trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Tại Đông Nam Á, Malaysia thông báo có thêm 109 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 4.228 người, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực này đang phải vật lộn chống chọi dịch bệnh với số ca nhiễm virus cao nhất trong khu vực. Bộ Y tế Malaysia cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 67 người.
Trong khi đó, Indonesia ghi nhận số mắc COVID-19 cao nhất tính theo ngày là 337 người, kể từ khi nước này phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên hồi tháng trước, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 3.293. Nước này cũng xác nhận thêm 40 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 280 người, trong đó có 252 ca đã bình phục.
Tính đến ngày 9/4, Thái Lan đã xác nhận 2.423 ca nhiễm virus và 32 trường hợp tử vong. Nước này cũng đã chữa khỏi cho 940 bệnh nhân COVID-19. Trong số các ca nhiễm SARS-CoV-2 đã được công bố, có 80 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 50 nhân viên y tế bị lây nhiễm tại các bệnh viện, 18 nhân viên y tế bị lây nhiễm trong cộng đồng và 12 trường hợp đang được điều tra.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này cùng ngày xác nhận thêm 287 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mắc trong một ngày cao nhất tại Singapore kể từ khi dịch bệnh bùng phát tháng 1/2020, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 1.910 ca.
Theo thông báo, hơn 200 ca mắc mới có liên quan đến các ổ dịch tại những khu nhà ở của lao động nước ngoài. Singapore đã cách ly hàng nghìn lao động tại các khu nhà ở sau khi họ có liên quan đến một số ca mắc COVID-19.
Đến nay, nước này đã xác nhận 6 ca tử vong do COVID-19. Nhà chức trách đang tiến hành điều tra làm rõ trường hợp tử vong thứ 7 cũng bị nhiễm căn bệnh chết người này, song có nhiều yếu tố phức tạp khác.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận