COVID-19 tác động như thế nào đến các “ông lớn” doanh nghiệp?
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) vừa tổ chức Hội nghị đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 và giải pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc.
- 16 người nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh
- Trung Quốc đưa robot, máy bay không người lái 'tầm soát' người nhiễm COVID-19
Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn phát biểu tại cuộc họp.
Theo báo cáo tổng hợp từ các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp đã chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó với dịch Covid-19; triển khai thiết bị, nhân lực sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ, phổ biến quát triệt để người lao động chủ động phòng ngừa dịch bệnh; cập nhật và triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan và áp dụng các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới…
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Covid-19 đã có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến các Tập đoàn, Tổng công ty, đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực vận tải, công nghiệp, nông nghiệp… Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đã kịp thời, chủ động triển khai các giải pháp, nhằm giảm tiểu tối đa các ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra. Riêng với lĩnh vực năng lượng, những tác động của dịch bệnh hiện chưa đáng kể.
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhiều chuyên gia trên thế giới đưa dự đoán về viễn cảnh giá dầu thô thế giới đi xuống do nhu cầu suy giảm.
Tổng giám đốc EVN phát biểu
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, so với các Tập đoàn, Tổng công ty khác, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với EVN trước mắt là chưa đáng kể. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sẽ làm chậm tiến độ các dự án nguồn và lưới điện của EVN cũng như các nhà đầu tư bên ngoài, gây khó khăn trong việc cung ứng điện giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Trần Đình Nhân, hiện EVN có 4 dự án nguồn điện, 13 dự án lưới điện truyền tải bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Điển hình, Tổ máy S1 của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang trong quá trình trung tu và thực hiện các kiểm tra cuối cùng trước khi cấp chứng chỉ nghiệm thu. Theo kế hoạch, nhà thầu huy động 34 chuyên gia từ Hàn Quốc vào tháng 2 để triển khai. Tuy nhiên, hiện có 6 chuyên gia đã đến Việt Nam, còn 28 chuyên gia chưa đến. Thực tế này sẽ sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Dự án nâng công suất máy biến áp tại TBA 500kV Nho Quan dự kiến được thực hiện vào cuối tháng 3/2020 cũng không thể thực hiện theo kế hoạch, bởi các chuyên gia Trung Quốc chưa thể đến Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trong các tháng mùa khô năm 2020. Hiện nay, EVN đang nghiên cứu giải pháp để khắc phục, đảm bảo cung cấp điện.
Ngoài các dự án của EVN, các chủ đầu tư BOT đã có văn bản thông báo về ảnh hưởng của dịch COVID - 19 tới tiến độ thi công các dự án nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) BOT như: Hải Dương, Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2, Vân Phong,…
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu
Cập nhật tình hình số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không, ông Dương Chí Thành - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, sau Trung Quốc, hai thị trường quan trọng bậc nhất của Vietnam Airlines là Nhật Bản và Hàn Quốc đã bùng phát dịch khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, việc học sinh, sinh viên nghỉ học dài khiến mùa hè năm nay với ngành hàng không cũng không còn “cao điểm”.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao sự chủ động của 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong việc đánh giá kịp thời các nguy cơ, thách thức, có các giải pháp phòng chống dịch bệnh cũng như sản xuất kinh doanh hiệu quả.
“Chúng ta vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Thủ tướng Chính phủ giao; đảm bảo bình ổn thị trường, ổn định sản xuất. Đặc biệt, đến thời điểm này, chưa có CBCNV nào trong doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban bị nhiễm Covid-19” - Chủ tịch Ủy ban ghi nhận.
Dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty không được chủ quan; cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới.
Các Tập đoàn, Tổng công ty cần chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tác động của dịch bệnh đến việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; sẵn sàng các kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất, báo cáo kịp thời hàng tuần tới Ủy ban để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, dự kiến thời điểm có thể kết thúc dịch, bắt tay ngay vào giai đoạn mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Các đơn vị cũng cần thực hiện tiết kiệm chi phí để tối đa hóa lợi nhuận; đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tài chính; tổng hợp thiệt hại dự kiến do dịch bệnh gây ra, lập phương án cơ cấu nợ, làm việc với các ngân hàng thương mại để tìm giải pháp hỗ trợ tài chính. Đồng thời, quan tâm, chăm lo đến sức khỏe và thu nhập, để cán bộ công nhân viên yên tâm công tác.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng khẳng định, Ủy ban sẽ luôn lắng nghe, tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Đây là giai đoạn nhiều thử thách, nhưng cũng là thước đo sức khỏe của các doanh nghiệp; là cơ hội để khối kinh tế Nhà nước khẳng định vai trò. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ nhau để cùng phát triển.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận