Pác Bó - Nơi “khởi nguồn” cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Ban biên tập Tạp chí Điện tử chia sẻ bài viết cùng PGS.TS. Lê Văn Yên về hoạt động của Người khi ở Pác Bó.
- Thủ tướng ký phát hành bộ tem Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5 tháng 6 năm 1911) tại Bến cảng Nhà Rồng, Người đã trở lại Việt Nam và đã chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm nơi dừng chân đầu tiên để xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị thành lập Mặt trận dân tộc rộng rãi cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm việc tại đầu nguồn suối Lê Nin - Pác Bó. Ảnh chụp tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - Cao Bằng. (Ảnh: Đào Công)
Đây là sự kiện lịch sử vĩ đại, có tầm quan trọng đặc biệt đối với thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Tại Pác Bó Người tiến hành xây dựng các đoàn thể cứu quốc, tổ chức thí điểm mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, mở các lớp huấn luyện ngắn ngày đào tạo cán bộ và chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương Đảng.
Tại đây, Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941. Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị xác định tình hình thế giới và trong nước, các mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu, tập trung thảo luận nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh và chuẩn bị khởi nghĩa đánh đuổi Pháp - Nhật.
Hội nghị đã thảo luận tình hình quan hệ quốc tế từ lúc nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai và dự đoán sự phát triển của tình hình. Do hoạt động và luôn nắm sát tình hình quốc tế, kết hợp với những nhận định trước đây, Người đã đưa ra nhận định sáng suốt về tình hình quốc tế.
Nhờ đó, Hội nghị có cơ sở để thống nhất những nhận định quan trọng về tình hình quan hệ quốc tế, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, của các nước thuộc địa và phong trào cách mạng thế giới.
Hội nghị nhất trí về những đặc điểm của cuộc chiến tranh thế giới lần này khác với cuộc chiến tranh thế giới lần trước là quy mô rộng lớn hơn, ác liệt hơn, lôi cuốn không chừa một dân tộc nào, và nổ ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của các nước đế quốc, trong khi giai cấp vô sản quốc tế trở nên mạnh mẽ và đoàn kết hơn, lại có một nước xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và “cuộc chiến tranh này xen vào những cuộc chiến tranh chống xâm lược của các dân tộc nhỏ yếu chống lại đế quốc xâm lược”, “nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Về cuộc chiến ở châu Âu, Hội nghị dự đoán sau khi Pháp bại trận, Mỹ sẽ nhảy vào cuộc. Đức, Italia một mặt xâm chiếm châu Âu, một mặt chuẩn bị lực lượng để đánh Liên Xô. Về cuộc chiến ở châu Á, Hội nghị nhận định, Nhật chiếm giữ Đông Dương để làm nơi đứng chân trong bước đường Nam tiến, để đánh phá các thuộc địa Anh - Mỹ ở Nam Thái Bình Dương. Từ những phân tíc trên, Hội nghị cho rằng, Liên Xô nhất định sẽ thắng, "Liên Xô thắng trận, quân Tàu phản công, quân Nhật đang mắc sự phản công của Anh - Mỹ. Cách mạng Pháp và cách mạng Nhật sôi nổi. Tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển và rồi đây lực lượng sẽ lan rộng toàn quốc để gây một cuộc khởi nghĩa toàn quốc rộng lớn.
Hội nghị còn xác định: “Cuộc các mạng Đông Dương là một bộ phận cách mạng thế giới và giai đoạn hiện tại là một bộ phận dân chủ chống phát xít…”, Vận mạng dân tộc Đông Dương lại chung với vận mạng nước Tàu cách mạng và Liên bang Xô viết. Cuộc đấu tranh chống phát xít của Liên Xô và Tàu là cuộc đấu tranh chung vận mạng các dân tộc Đông Dương", và đây là lúc phải gấp rút chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để đón thời cơ giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Trong tình hình mới, quan điểm của Người về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc giờ đây được Hội nghị quán triệt và đưa vào Nghị quyết. Hội nghị giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa ba dân tộc Đông Dương gồm nội dung trước mắt và lâu dài. Trước mắt, kẻ thù chung của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia là bọn Pháp - Nhật, ba dân tộc phải đoàn kết, đánh đuổi Pháp - Nhật, tập trung lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; Việt Nam, Lào, Capuchia phải dựa vào nhau, thúc đẩy nhau để giành thắng lợi. Về lâu dài, chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước ở Đông Dương.
Sau khi kẻ thù bị đánh đuổi, vấn đề độc lập tự do của mỗi dân tộc là tùy thuộc vào ý nguyện của mỗi dân tộc, và chủ quyền của mỗi dân tộc phải hoàn toàn được tôn trọng: “Đã nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói đến sự tự do, độc lập của mỗi dân tộc tùy theo ý muốn của mỗi dân tộc. Nói như thế nghĩa là sau lúc đánh đuổi Pháp - Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách “dân tộc tự quyết” cho dân tộc Đông Dương”.
Ở Việt Nam, sau khi đánh đuổi Pháp – Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy lá cờ đỏ, ngôi sao vàng năm cánh làm quốc kỳ. Nhiệm vụ của chính phủ nhân dân sau này là:
1. Hủy bỏ tất cả các hiệp ước mà Pháp đã ký bất kỳ với nước nào;
2. Tuyên bố các dân tộc bình đẳng và hết sức giữ hòa bình;
3. Kiên quyết chống tất cả các lực lượng xâm phạm đến quyền lợi của nước Việt Nam;
4. Mật thiết liên lạc với các dân tộc bị áp bức, giai cấp vô sản trên thế giới.
Chủ trương trên cho thấy chính sách hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, tôn trọng quyền tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc, đoàn kết ủng hộ và giúp đỡ các phong trào giải phóng dân tộc, đoàn kết với giai cấp vô sản và phong trào công nhân quốc tế. Đó cũng chính là tư tưởng đoàn kết quốc tế mà Người theo đuổi trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình và đã được thể hiện trong những văn bản mà Người đã soạn thảo.
Chủ trương giải quyết nhiệm vụ dân tộc trong khuôn khổ từng dân tộc không có nghĩa là tách rời cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào, Campuchia, mà vẫn có quan hệ mật thiết với nhau. Hội nghị còn xác định rõ: Việt Nam phải hết sức giúp đỡ Campuchia, Lào, “Đảng ta và Việt Minh phải hết sức giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào tổ chức ra Cao Miên độc lập đồng minh, Ai Lao độc lập đồng minh”. Những quan điểm trên thể hiện quan điểm nhất quán trong tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, chứng tỏ Người thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của các dân tộc, vận dụng trung thành và sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc.
Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình quốc tế và trong nước, Hội nghị nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, xác định nhiệm vụ chủ yếu, trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập dân tộc, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Trong thư Kính cáo đồng bào, Người còn nói rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”.
Quan điểm của Người và Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám nêu nhiệm vụ đấu tranh dân tộc lên trên hết, nhưng không quên nhiệm vụ đấu tranh giai cấp, không có nghĩa là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên lợi ích giai cấp”. Nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc không có nghĩa là quên nhiệm vụ giải phóng giai cấp, cũng không phải là lùi bước, mà “chỉ là bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn”.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám thể hiện đầy đủ tư tưởng của Người về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp mà trước đây đã bị phê phán là “hữu khuynh ”, “ dân tộc chủ nghĩa”.
Đây là việc trở về với sự giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được Người nêu ra từ những năm 20 và đầu những năm 30 của thế kỷ XX, thể hiện sự suy nghĩ ở tầm cao, tầm chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, nhằm tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân đông đảo đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, theo sáng kiến và đề nghị của Người, Hội nghị nhất trí thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh.
Về vấn đề này, từ giữa năm 1940, lúc còn ở Quế Lâm, có lần Người đã trao đổi với Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp: “Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc càng quan trọng. Ta phải nghĩ đến việc lập một hình thức Mặt trận thật rộng rãi có tên gọi cho thích hợp. Việt Nam giải phóng đồng minh? Việt Nam phản đế đồng minh? Hay là Việt Nam độc lập đồng minh, có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ.
Những ý kiến Bác nói hồi đó, sau này đã được thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng tại Pác Bó”. Sau Hội nghị, Người chỉ đạo việc soạn thảo các văn kiện cơ bản của Mặt trận Việt Minh.
Đến tháng 9 và tháng 10/1941, Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ của Việt Minh soạn thảo xong, làm phụ lục cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám và được công bố. Những văn kiện này thể hiện đầy đủ sự thống nhất quan điểm của Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng ta về mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất, về những vấn đề chiến lược cách mạng, về kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Sức mạnh và vai trò to lớn của Mặt trận Việt Minh được thể hiện trong thực tiễn, nó đáp ứng được yêu cầu của lịch sử. Thành lập Việt Minh là một sáng tạo lớn của Người, nó có tên gọi “hết sức thống thiết ”, có sức lôi cuốn và hiệu triệu mạnh mẽ quần chúng đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.
Đánh giá sự kiện trọng đại này, Hoàng Quốc Việt đã viết: “Hai chữ Việt Minh đã vang lên mạnh mẽ trong lòng dân tộc suốt cuộc đời trường chinh chống đế quốc. Nó vang lên trong tâm trí mọi người với niềm kiêu hãnh. Nó lưu danh muôn thủa trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Việt Minh! Việt Minh, Tên Người chói lọi vàng son, là nguồn cổ vũ thu hút hết thảy các lực lượng yêu nước vào cuộc. Ngay tại cuộc họp, Bác soạn thảo ra 10 điều chính sách Việt Minh, định tên nước: Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã có những nhận định đúng đắn về vấn đề quốc tế, đã hoàn thành đường lối chiến lược của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Sau này đồng chí Trường Chinh kể lại “Đây là lần đầu tiên đồng chí được gặp và làm việc với Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã thảo luận theo tư tưởng chỉ đạo vào những vấn đề mà Người nêu lên. Tự tay Người đã sửa lại Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám thật ngắn gọn, súc tích và cụ thể”.
Nghị quyết đúng đắn của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám của Trung ương và thư Kính cáo đồng bào của Người gửi quốc dân đồng bào sau Hội nghị đó đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta một cách mạnh mẽ.
Chủ trương, chính sách mà Trung ương đề ra trong Hội nghị lịch sử đó đã được toàn Đảng chấp hành nghiêm chỉnh và đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đến đây, Đảng ta đã hoàn toàn tiếp thu tư tưởng của Người, hoàn toàn tán thành các chủ trương, quan điểm của Người. Một thời kỳ mới đã mở ra, thời kỳ cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng cho đường lối, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng ta trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận