Gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới
Từ giải thưởng của một cuộc thi đến việc đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới vẫn còn là một bước đường dài, và có lẽ đã đến lúc cần cả một chiến lược hoạch định và phát triển hạt gạo Việt bài bản, khác hẳn những gì đã làm hơn 30 năm qua.
Thu hoạch lúa tại Vĩnh Long - Ảnh CHÍ QUỐC
Thông tin loại gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức ở Philippines vừa qua đã làm nức lòng nhiều người.
Nhớ lại những năm trước đây khi giải thưởng này được công bố, nhiều người Việt không khỏi ngậm ngùi bởi tên các loại gạo chiến thắng thường là Thai Hom Mali của Thái Lan hay Jasmine của Campuchia, thậm chí một đất nước mới xuất khẩu gạo như Myanmar cũng có loại gạo Paw Son được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới vào năm 2011.
Vậy mà sau ba thập kỷ xuất khẩu, trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng gạo Việt Nam chưa một lần được vinh danh ở vị trí cao nhất trong cuộc thi này. Không những vậy, gạo Việt Nam xuất khẩu ra thế giới thường bị mang tiếng là gạo giá rẻ chất lượng thấp, không thương hiệu.
Ngay tại thị trường trong nước, gạo Việt cũng mất dần vị thế khi người dân cũng chuộng các loại gạo Thái Lan, gạo Campuchia vì sạch hơn, ít phân thuốc hơn, hay gạo giống Đài Loan vì hương vị thơm ngon đậm đà hơn.
Vì vậy, khi tên Việt Nam được xướng lên ở lễ trao giải World's Best Rice tại khách sạn Makati Shangri-La (Manila, Philippines), người ta thấy hình ảnh của những nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu Việt Nam như GS Võ Tòng Xuân, kỹ sư Hồ Quang Cua (người tạo ra giống lúa ST nổi tiếng) vỡ òa ôm lấy nhau đầy cảm xúc.
Giải thưởng này là sự công nhận cho tài năng của các nhà khoa học Việt Nam đã miệt mài hàng chục năm lai tạo ra những giống lúa thích nghi với điều kiện của địa phương, đồng thời cho ra những hạt gạo chất lượng tuyệt hảo.
Tuy nhiên, diện tích trồng các loại lúa ST tương đối khiêm tốn. Còn lại vẫn là những cánh đồng lúa với rất nhiều giống lúa khác nhau vốn phù hợp cho chế biến và xuất khẩu hàng thô, cho các thị trường giá rẻ như châu Phi, Trung Quốc và một vài nước trong khu vực Đông Nam Á.
Việc nâng cao giá trị gạo Việt đã được nói đến từ lâu nhưng chưa đem lại kết quả như mong muốn. Việt Nam cần phải lựa chọn chiến lược tập trung vào chất lượng để tăng giá trị, thay vì tập trung vào sản lượng nhưng bán giá rẻ.
Thế giới đang đi theo xu hướng tiêu dùng các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường hơn, đồng nghĩa với sử dụng ít phân hóa học và thuốc trừ sâu, trừ cỏ độc hại. Ngành lúa gạo Việt Nam cũng cần mạnh dạn đoạn tuyệt hẳn với tiêu chí tăng năng suất bằng mọi giá, không chạy đua xuất khẩu về số lượng, thay vào đó tập trung cho chất lượng và giá trị.
Như bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời trong phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, hạt gạo của tương lai không đơn thuần là lương thực, mà phải trở thành dược phẩm. Điều đó cần cả một chiến lược hoạch định và phát triển hạt gạo Việt bài bản, khác hẳn với những gì đã làm hơn 30 năm qua.
Dù rằng từ giải thưởng trong một cuộc thi đến việc đưa thương hiệu gạo ra thế giới, qua đó nâng cao giá trị hạt gạo và đời sống người nông dân vẫn còn là một bước đường dài. Nhưng để khách hàng thế giới bước vào siêu thị chọn mua các loại gạo ST, trước hết gạo Việt cần được người tiêu dùng trong nước tin tưởng và ủng hộ.
Theo Tạp chí Điện tử
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận