Thành lập Chi hội Vô Tuyến - Điện tử Trường Đại học Điện lực
Ngày 9/1, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) đã long trọng công bố quyết định thành lập Chi hội Vô tuyến - Điện tử Trường Đại học Điện lực.
Đại diện Hội Vô Tuyến - Điện tử Việt Nam trao quyết định thành lập Chi Hội Vô Tuyến Điện Tử Trường Đại Học Điện lực ngày 9/1.
Với 35 năm xây dựng và phát triển, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã khẳng định được vai trò và sự đóng góp tích cực của mình trong việc xây dựng mạng lưới hợp tác, gắn kế giữa các Trường Đại học, các viện nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử - vô tuyến trên toàn quốc để hỗ trợ nhau về nội dung và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Ngày 9/1/2024, Trường Đại học Điện lực long trọng tổ chức lễ công bố thành lập Chi hội Vô tuyến - Điện tử. Được chính thức gia nhập Hội Vô Tuyến - Điện tử Việt Nam là một niềm vinh dự của Khoa Điện tử Viễn thông nói riêng và của Trường Đại học Điện lực nói chung. Đây là cơ hội của sinh viên và giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, để từ đó đẩy mạnh công tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Điện tử Viễn thông.
Chi hội gồm có 29 thành viên, ông Nguyễn Lê Cường, Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng sẽ đảm nhận vai trò chi hội trưởng; ông Phạm Duy Phong, Đảng ủy viên, Trưởng khoa Điện tử viễn thông làm chi hội phó.
TS Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam phát biểu tại buổi lễ thành lập Chi hội tại Trường Đại học Điện lực ngày 9/1.
Trong buổi công bố quyết định, Chủ tịch Trần Đức Lai chia sẻ: Mục tiêu của REV là gắn kết các nhà khoa học, đặc biệt là các trường để chúng ta cùng trao đổi các phương pháp nghiên cứu, giảng dạy, chuyển giao công nghệ. Trên tinh thần đó, chúng ta phải ngày càng gắn kết bền chặt, giữa trường với doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất, là đưa các nghiên cứu, giảng dạy của chúng ta vào thực tiễn. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các doanh nghiệp có những đề nghị hợp tác để triển khai thực tiễn, từ đó nguồn lực này lại quay trở lại nhà trường để nâng cao tăng cường hơn nữa trong các nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo.
Để làm được việc đó, hàng năm REV đều duy trì hai hoạt động lớn như hội nghị Quốc tế ATC, triển khai các vấn đề lớn, vấn đề mới về viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông. Về hội nghị có tính chất Quốc tế như vậy, sẽ giao cho các Trường là hội viên REV tổ chức. Đây cũng là hội nghị được sự bảo trợ của Hiệp hội các kỹ sư điện và điện tử thế giới (IEEE), một tổ chức học thuật rất lớn và uy tín trên thế giới.
Một hoạt động quan trọng của REV hằng năm là Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin (REV-ECIT). Tại đây, các nhà khoa học cùng nhau chia sẻ các công trình nghiên cứu mới để phục vụ cho công tác chung của ngành cũng như của đất nước. Bên cạnh hai hoạt động quan trọng trong năm, còn có những cuộc phát động cuộc thi dành cho sinh viên, gắn kết giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các trường...
Như vậy, Chi Hội tại Trường Đại học Điện lực đã chính thức được thành lập, vui mừng hơn khi Chi hội có sự góp mặt của lãnh đạo nhà trường, do đó hoạt động của Chi Hội tôi tin chắc sẽ phát triển vượt bậc, phát triển bền vững và nhanh chóng hơn. Không những sẽ có đóng góp tích cực cho Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam mà còn có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nhà trường đặc biệt trong lĩnh vực Điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin.
PGS.TS Đinh Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định.
Tại buổi công bố, PGS.TS Đinh Văn Châu nhấn mạnh, đây là sự kiện đặc biệt, một dấu mốc quan trọng của các giảng viên của nhà trường khi chính thức trở thành hội viên Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam. Chúng ta sẽ cùng dưới mái nhà chung, cùng cống hiến, phát triển, gắn kết để nhân lên các hoạt động của hội.
Chi Hội tại Trường Đại học Điện lực sẽ trở thành cầu nối để hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp trong khuôn khổ, trong không gian của REV để trở lên sinh động. Và từ đây, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của ngành điện tử, vô tuyến của trường nói riêng và sự hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là tham gia vào hoạt động chính sách, phản biện chính sách thuộc lĩnh vực vô tuyến, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông... Tôi tin tưởng và chắc chắn rằng REV sẽ vẫn là hội nghề nghiệp uy tín được Đảng và Nhà nước, Chính phủ xin ý kiến trước khi ban hành những quyết sách trong lĩnh vực thế mạnh của mình.
Từ đó, các thầy và các cô trường Đại học Điện lực vững tin là chi hội viên, phải phát huy tinh thần đó để nâng cao vị thế hơn nữa, mở rộng thương hiệu và đóng góp cho sự phát triển của nhà trường và Hội Vô Tuyến - Điện tử Việt Nam.
Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam trao hoa chúc mừng thành lập chi hội Trường Đại học Điện lực và chúc mừng khai mạc hội thảo VJISAP 2024.
Cùng ngày 9/1, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Ăng-ten và Truyền sóng giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJISAP 2024) đã chính thức khai mạc tại Trường Đại học Điện lực, Hà Nội. Hội thảo được tổ chức bởi Hiệp hội Kỹ sư Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản (IEICE - Institute of Electronics, Information and Communication Engineers) phối hợp với Trường Đại học Điện lực, được bảo trợ kỹ thuật từ Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV).
VJISAP 2024 nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. VJISAP đã nhận được 52 bài báo của các tác giả trong và ngoài nước về các chủ đề gồm: Ăng-ten điều khiển búp sóng, Ăng-ten cho các thiết bị truyền công suất không dây, các công nghệ ăng-ten tiên tiến, các kỹ thuật thiết kế ăng-ten mới, các ứng dụng và công nghệ đo đạc ăng-ten mới và các công nghệ ăng-ten cho hệ thống thông tin vô tuyến trong tương lai.
Theo tạp chí Điện tử và Ứng dụng